10/2/10

Phóng sinh

Năm nào một tuần trước giao thừa, thị cũng được theo mẹ đi thả cá xuống hồ cạnh nhà cho ông Táo. Lúc đầu ở gần hồ Gươm, cá chép được thả còn to và khoẻ, nhưng cũng chẳng thấy có con nào đủ lớn để lên báo. Sau này nhà chuyển về nơi xa hồ Gươm, nhà thị mất dần thói quen thả cá chép, thay vào đó là thả cá vàng ở hồ Giảng võ.












Vào ngày đó, thị chỉ thắc mắc việc thả cá vàng có được gọi là phóng sinh hay không. Trong năm, thị thường theo ngoại đi chùa và phóng sinh bọn chim sẻ. Bầy chim sẻ có vẻ là được huấn luyện thuần thục,  phóng sinh xong chúng lại vui vẻ nhảy nhót ở sân, tíu tít nhặt gạo vãi. 



Thị vẫn nghĩ và nghe theo bà ngoại rằng làm việc đó rất thiện, còn tích nhiều công đức. Nhưng thả cá thì thị một mực không tin đó là việc thiện. Gặng hỏi ngoại đây có phải là phóng sinh cá không, thị được giải thích đó chỉ là phong tục của dân mình vào dịp cuối năm. 

Năm nay thị để ý ba con cá vàng vừa được quảng xuống nước đã cong tớn đuôi vùng vậy. Bơi cật lực dưới làn nước đục ngàu để tránh con cá to đùng đang lim dim ở bên cạnh. Con bé nhất thoắt một cái đã chui tọt vào mồm con cá ngão. 


Thị hét lên, níu tay ngoại đòi cứu giúp hai con còn lại. Mắt ngoại kèm nhèm nên chẳng nhìn thấy cái cảnh não nùng mà thị được mục thị. Ngoại cười và nhẹ nhàng nói với thị là chúng ta đã xong việc của cả một năm rồi, làm gì có chuyện như thị thấy được. Mà cá xuống nước là đi theo Ông Công Ông Táo ngay thôi. Đó là cái tinh thần được giải thoát, chứ cái xác cá có giá trị gì đâu. 

Thị nghe theo ngoại mà vui vẻ về nhà chuẩn bị Tết. Thị vô tâm đến mức tối về kể lại câu chuyện trên cho mẹ và còn thêm một câu kết luận, hàng năm người lớn thả cá vàng chẳng phải là phóng sinh, chẳng phải là cầu phúc, chẳng phải là tín ngưỡng, mà chỉ là để giải thoát tinh thần cho lũ cá vàng kém may mắn.




Lớn lên thị hiểu đó cũng là sát sinh, nhưng mới chỉ ở mức độ gián tiếp. Về hình thức không phải chính chúng ta giết chết con cá vàng, mà chúng ta chỉ đẩy con cá vàng vào miệng con cá ngão, và đổi lại có được một niềm tin ngây thơ là chúng ta đang có văn hoá tín ngưỡng. 

Sự lẫn lộn về ngôn từ của thị làm câu chuyên phức tạp hơn, thị đã biết “phóng sinh”, rồi “sát sinh”, đến “giải thoát tinh thần”, cuối cùng thị cam đoan đó chỉ là sự “thoát tinh” như ngôn ngữ nghề nghiệp của cha thị hay dùng.      


Dr Trần Thiết Sơn    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét