17/4/10

Nghề biến "không" thành "có": Trả lại cho em... cuộc sống bình thường


(ANTĐ) - Những gương mặt méo mó dị dạng vì tai nạn, những số phận tưởng như suốt đời bi kịch khi sinh ra, tạo hóa đã khuyết của họ một phần cơ thể. Nhưng nhờ sự phát triển vượt bậc về phẫu thuật tạo hình mà cuộc đời của họ đã đổi thay. Họ như được sinh ra lần thứ hai, khi ước mơ vô cùng lớn lao của họ - nhưng lại rất đỗi bình thường với người khác-  là được sống một cuộc sống bình thường trở thành hiện thực.












Tặng cho bệnh nhân... một gương mặt

Anh Bạch Văn C., 37 tuổi ở Hải Dương  là người may mắn được nhận quà tặng diệu kỳ đó. Cho đến khi gương mặt dị dạng của anh được trở lại bình thường rồi mà mỗi khi nhìn vào gương, anh vẫn cứ tưởng mình nằm mơ. Người đàn ông bất hạnh này sau khi gặp nạn, không bao giờ nghĩ còn có thể được trở lại cuộc sống bình thường. Cuộc sống tưởng như chấm hết.

Đó quả là những ngày tháng khủng khiếp khi năm 2007, trong quá trình “chữa điện”, anh bị điện cao thế  giật dẫn đến mất vùng da ở trán đỉnh, mất xương sọ vùng trán, cụt bàn tay trái. Anh nằm bê bết cả ngày trên giường với phần não "lộ thiên" chằng chịt những tia máu chạy loằng ngoằng, lúc nào cũng chảy dịch thấm đẫm hết mấy lần bông, băng. Đã thế nó còn bùng nhùng và có cảm giác mềm nhũn đến mức chỉ cần chạm nhẹ vào có thể khiến nó vỡ nát.

Bởi vậy, để bảo vệ não bộ, anh C. không dám đi ra ngoài, không dám chường mặt để một ai nhìn thấy vì nếu ra ngoài, không những môi trường ô nhiễm sẽ làm nhiễm trùng bộ não không gì che chắn, bảo vệ của anh mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng nếu nó va đập với một vật cứng.

Mặc dù, đã giữ gìn cẩn thận như vậy, nhưng anh C. vẫn không tránh khỏi căn bệnh "truyền kiếp" của người bị hở não là nhiễm trùng màng não. Để cứu sống và bảo vệ phần não "lộ thiên" của anh, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật ghép da mỏng lên màng cứng ở nơi não hở. Thế nhưng, cuộc phẫu thuật đã thất bại do sự bất hợp lý: màng da mỏng mà ghép với hộp sọ cứng thì không thể "ăn nhập" với nhau. Vậy là, anh C. lại phải chờ đợi một cuộc phẫu thuật khác trong nỗi lo âu, phấp phỏng: "Không biết mình có sống được không".

Người xưa có câu: "Gặp thầy gặp thuốc" thì bệnh trọng mấy cũng thuyên giảm. Số phận may mắn đã run rủi khi anh gặp được PGS - TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình của Trường đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh - Pôn.  Là một người có thâm niên và kinh nghiệm về phẫu thuật tạo hình  đồng thời từng du học tại Pháp, một quốc gia tiên tiến về Phẫu thuật tạo hình, khi chứng kiến bệnh tình của anh C., TS Trần Thiết Sơn đã nghĩ ngay đến giải pháp phải tái tạo lại hộp sọ, sau đó ghép da lên vùng trán để bảo vệ hộp sọ, đồng thời cách ly phần não với bên ngoài nhằm tránh nhiễm trùng và bị va đập với vật cứng, nhọn.

Về cơ bản, phương pháp điều trị sẽ như vậy. Nhưng làm thế nào để giải pháp ấy thành công trong quá trình thực hiện lại là một áp lực vô cùng lớn đối với TS Trần Thiết Sơn. Bởi không gì anh C. cũng đã trải qua một lần phẫu thuật thất bại và hơn nữa, khi thực hiện phẫu thuật có quá nhiều chi tiết cần độ chính xác tuyệt đối, nếu chỉ sơ suất, nhầm lẫn một chút cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Suy đi tính lại, cân nhắc kỹ lưỡng, cuối cùng, TS Trần Thiết Sơn quyết định tái tạo mảnh sọ vỡ bằng các-bon, một nguyên liệu cứng để phù hợp với hộp sọ "gốc". Tuy nhiên, khó khăn trong việc tái tạo mảnh sọ này là cắt gọt thế nào để nó vừa khít với chỗ vỡ của hộp sọ và có thể bắt vít dễ dàng với hộp sọ "gốc". Vì nếu không, do không ăn khớp nhau, giữa mảnh sọ tái tạo và hộp sọ "gốc" sẽ tạo thành khe hở khiến dịch não thủy rò rỉ ra ngoài. Khi dịch não thủy rỏ rỉ ra ngoài, tình trạng nhiễm khuẩn chắc chắn không thể tránh khỏi.

Một khó khăn nữa khi tiến hành phẫu thuật cho anh C. là lấy vạt da ở đâu và lấy thế nào cho đủ để cấy ghép lên vùng trán. Theo nguyên tắc thông thường, những vạt da thường được lấy để cấy ghép bao giờ cũng là da mỏng. Chúng thường nằm ở phía trong bắp tay, cánh tay, trên mặt đùi, mông... Thế nhưng đối với khoảng da đã mất ở vùng trán đỉnh của anh C. thì không thể lấy ở cánh tay, mông mà phải lấy ở mặt trên của đùi vì nó đủ rộng để ghép lên vùng trán đỉnh.

Hơn nữa, da ở khu vực này dễ phẫu thuật lấy động mạch và tĩnh mạch. Mà chính những động mạch và tĩnh mạch này sau khi cấy ghép xong chúng sẽ giúp phần da ghép "sống" được như da ở những khu vực khác. Còn lấy thế nào cho đủ da để cấy ghép thì TS Sơn cho biết, anh phải lấy thước đo từng mm trên trán đỉnh của anh C. rồi xác định nó hình thù ra sao. Sau đó vẽ ra giấy đúng hình thù như vậy và đặt mảnh giấy đó lên phần đùi sẽ lấy da. Và tất nhiên, phần da này phải có động mạch và tĩnh mạch như đã nói.

TS Sơn cho biết: "Việc tính toán này phải rất kỹ lưỡng. Nếu không, sẽ không thể ghép da được trong cả hai trường hợp nó thừa hay thiếu. Bởi "vá" da không phải như vá vải có thể khâu chờm ra ngoài chỗ cần "vá" mà phải khâu vừa khít đúng theo hình thù với chỗ "vá". Rất may, quá trình phẫu thuật tạo hình cho anh C. không xảy ra sai sót, nên sau 8 tiếng, ca phẫu thuật đã thành công. 

TS Trần Thiết  Sơn kể lại, trong 8 tiếng đó, chiếm nhiều thời gian nhất là công đoạn khâu nối động mạch và tĩnh mạch của vạt da ghép với động mạch, tĩnh mạch ở khu vực ghép da. Do động mạch và tĩnh mạch này chỉ có đường kính 1,8mm  và 1,5mm nên các bác sĩ phẫu thuật đã chọn phương thức khâu măng - xông với sợi chỉ nhân tạo chỉ mảnh bằng 1/5 sợi tóc và chiếc kim cũng mảnh như vậy.

Hiện nay, sức khỏe của anh C. hoàn toàn bình phục và gương mặt của anh đã trở lại bình thường, không còn nham nhở, đáng sợ nữa. Anh đã tự tin và thấy thoải mái hơn trong cuộc sống. 

Anh C. nói: "Nhờ phẫu thuật tạo hình mà tôi như được sinh ra lần thứ hai...". 

"Biến" đầu trọc thành xanh tóc

Như anh C., bệnh nhân Nguyễn Mỹ L., 12 tuổi ở Thái Bình cũng là trường hợp nhờ phẫu thuật tạo hình mà lấy lại được gương mặt xinh xắn với đôi mắt to đen lay láy vốn có của em. Nhưng chỉ khác da ở nửa đầu trước của em không bị mất đến trơ sọ như anh C. mà nó bị cháy vì dầu hỏa dẫn đến không thể mọc được tóc. Toàn bộ phần da đầu đó trở thành lớp sẹo lồi lõm, dày mỏng khác nhau, trông rất đáng sợ.

Nhớ lại thời kỳ "sống chung" với lớp sẹo ấy đúng là kinh hoàng đối với bé L. Bởi hễ cứ đứa trẻ nào trông thấy em cũng đều bỏ chạy... mất cả dép. Mới đầu là như vậy, sau đó quen dần, chúng lại rủ nhau tụ tập để trêu chọc L. khiến L. không dám đến trường học, không dám bén mảng đến chỗ tập trung nhiều trẻ con để chơi.

Trải qua 6 năm như vậy, sau khi đọc một bài báo về khả năng "cấy" tóc cho những người trọc đầu, bố mẹ L. mới đưa L. đến gặp TS. Trần Thiết Sơn với hy vọng gương mặt xinh xắn của em sẽ được "hoàn" lại như xưa. Sở dĩ bố mẹ L. lại đưa em đến gặp TS Sơn do ông là một trong số rất ít người hiện nay có thể "phủ" xanh tóc cho những người trọc đầu. Và điều kiện "tiên quyết" để ông có thể thực hiện được phẫu thuật này là bệnh nhân phải còn tóc mọc ở bất kỳ khu vực nào đó trên đầu. Vừa gặp L., TS Trần Thiết Sơn đã gật đầu ngay: "Có thể phẫu thuật được" và ông quyết định tiến hành phẫu thuật lập tức. Vì nếu không, để lâu nữa, phần da đầu co rúm, lồi lõm của em sẽ như gọng sắt kìm chặt không cho hộp sọ của L. phát triển.

Việc đầu tiên mà TS Sơn phải thực hiện trong quá trình phẫu thuật là cắt bỏ toàn bộ phần sẹo rúm ró của L. Sau đó, ông  cấy vào dưới lớp da mọc tóc của em một cái túi rồi bơm vào đó từ 30 - 50ml huyết thanh mỗi lần. Cứ cách ngày lại bơm một lần như vậy và bơm trong 3 tuần liên tiếp. Mục đích của việc bơm huyết thanh ấy là để phần da mọc tóc của L. giãn ra đủ để có thể "phủ" kín phần nửa đầu không mọc tóc của L.

Khi da giãn đủ như vậy, TS Sơn mới cắt vạt da đó rồi ghép lên nửa đầu trước của L. để khu vực này từ trơ tóc đến xanh tóc. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong phẫu thuật "cấy" tóc như vậy là quá trình đặt túi giãn. Quá trình này nếu diễn ra không chuẩn xác, cụ thể như đặt túi quá sát với da đầu sẽ dẫn đến máu không thể lưu thông để nuôi tóc ở phần da giãn.


 Từ "trơ" tóc...đến xanh tóc.

TS Trần Thiết Sơn nhấn mạnh: "Quá trình ghép da còn phải tính toán làm sao để khi tóc mọc không bị ngược, nghĩa là tóc ở phần bên phải, phải xuôi về bên phải, ở đằng sau phải xuôi về phía sau chứ không thể tóc bên phải lại xiên sang trái... Và đây cũng là kỹ thuật thể hiện "đẳng cấp" của bác sĩ phẫu thuật".

Đã 2 năm trôi qua kể từ khi L. được phẫu thuật. Nhìn tấm ảnh hiện nay của em, không ai có thể ngờ rằng, L. đã từng mang gương mặt mà ai nhìn thấy cũng phải ái ngại. Tóc của em đã phủ kín đầu và mọc dài theo hàng theo lối. Gương mặt đã xinh xắn như xưa. Để được như hôm nay, chính là nhờ những thành tựu y học đã mang lại cho L. một cuộc đời mới, tương lai mới...

Bài học quý giá

Phẫu thuật tạo hình có thể nói bắt đầu hình thành ở Việt Nam vào những năm 60 và "ông tổ" của chuyên ngành này là GS. TS Nguyễn Huy Phan, nguyên là Phó giám đốc Bệnh viện Quân đội 108. Thời kỳ đó, với những ca phẫu thuật tạo hình vùng hàm mặt đầu tiên cho thương bệnh binh và thay đổi diện mạo cho những chiến sĩ tình báo để xâm nhập vào hàng ngũ của địch, GS Nguyễn Huy Phan đã "khởi xướng" cho một chuyên ngành mới - chuyên ngành phẫu thuật tạo hình ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời kỳ ấy, để trở thành "tiền đề", nền tảng cho sự phát triển của ngành vi phẫu sau này, cũng không ít lần GS Nguyễn Huy Phan phải trải qua thất bại khi một số ca phẫu thuật tạo hình bằng trụ da lấy ở bụng của ông không thành công. Chúng bị hoại tử, rụng rời khỏi cơ quan cấy ghép.

Còn trong trường hợp thành công thì cũng bị "đánh đổi" bởi hoặc là sự hao tổn tổ chức cấu tạo (ở khu vực phẫu thuật) hoặc là thời gian hoàn thành kéo dài. Theo PGS. TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm bộ môn Phẫu thuật tạo hình của Bệnh viện Quân đội 108,  thời gian đó, để phẫu thuật tạo cơ quan sinh dục nam phải mất đến 2 năm mới hoàn thành tính từ khi tạo hình cho đến lúc kết thúc phẫu thuật. Nhưng như đã nói để trở thành "tiền đề", nền tảng cho sự phát triển vượt bậc của phẫu thuật tạo hình hiện nay, đó lại là những bài học vô cùng quý giá, những kinh nghiệm không dễ gì có được.

PGS. TS Nguyễn Tài Sơn, nhận định: "Kỹ thuật vi phẫu của chúng ta hiện có thể sánh ngang tầm với những "cường quốc" y học trong khu vực. Có nhiều ca phẫu thuật, sau khi chứng kiến xong, các đồng nghiệp quốc tế đã phải thốt lên kinh ngạc".

Có lẽ, không phải nói thêm ra đây những thành tựu y học. Bởi những gì đã kể trên đây là minh chứng sinh động, hùng hồn cho sự phát triển vượt bậc của phẫu thuật tạo hình. Nó có thể "biến" một nàng "lọ lem" thành công chúa, "biến" hoàng tử "cóc" thành chàng trai khôi ngô tuấn tú như trong chuyện cổ tích. Không những vậy, nó còn trả lại đúng chức năng, hình dáng mà tạo hóa đã trớ trêu làm "khuyết" đi ở một số người và hồi phục sức khỏe cho những bệnh nhân mắc bệnh vì dị dạng do tai nạn.


Tú Anh 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét