23/9/09

Niềm vui


Hôm qua thực sự vui, ngủ một giấc từ chập tối không như thông lệ, không mộng mị và không lo lắng. Cuộc mổ ngày hôm qua là một khích lệ cho tất cả mọi người trong khoa. Nỗi lo từ thất bại lần trước luôn hiện hữu ám ảnh từng ngày. Cái bệnh khó của bệnh nhân làm nản chí không hơn một lần. Từ Đồng nai, một người phụ nữ phải sống bằng nước nghiền thịt và hoa quả trong 9 năm để vật lộn với căn bệnh quái ác, ra tận bệnh viện này.





Họ đã tuyệt vọng một lần vì bệnh ung thư miệng, rồi xạ trị đã đem lại cho bà niềm tin sẽ sống. Nhưng sau xạ trị, lỗ hổng ở má làm bà khó khăn hơn trong mọi chuyện, ăn uống, sinh hoạt, và ngay cả nói cũng dần thành đồ xa xỉ. Bà sống lại nhờ sự tận tình vô biên của người chồng xứ bắc, sau mỗi lần bệnh viện từ chối điều trị. Cũng có thể bà vẫn sống như vậy cùng người chồng và những đứa con thân yêu.

Phẫu thuật lần đầu tiên thất bại, cái khổ sở diễn ra từng ngày như bộ phim quay chậm. Phẫu thuật lần hai cách sau đó mười ngày. Mà thật sự là một quyết định khó khăn. Một cuộc phẫu thuật kéo dài tám tiếng đồng hồ. 



 Phòng mổ ngổn nganh như một công trường với máy móc hiện đại nhất.

Các đồng nghiệp đã được chuẩn bị tinh thần từ những ngày trước, cả mắng mỏ lẫn dỗ dành. Kể cũng lạ, họ chỉ im lặng mà không phản đối vì đã biết tính nhau rồi. Một gia đình trong đó mọi người đều có vị trí riêng của mình.


Các bác sỹ gây mê cũng làm việc ở mọi tư thế. 

Tiếng nhạc không thể thiếu được từ đầu đến cuối ca mổ. Các kíp làm việc cặm cụi mà quên cả ăn trưa, người nào việc nấy, còn ai rảnh việc tranh thủ chợp mắt một chút ở bên cạnh bàn mổ, mà còn lấy sức để thay nhau. 



Cắt cắt, chuyển chuyển, nối nối, đó là những động tác mà các đồng nghiệp thân yêu làm trong tám tiếng đồng hồ. Nhìn họ làm, mà không thể không liên tưởng đến những tay phù thuỷ kỳ diệu biến đổi cái không thể thành cái có thể.

Sáng nay khám lại bệnh nhân, niềm vui oà lên ở cả khoa. Ai đó nói vào giữa buổi chiều hôm qua, lần này quyết không để thất bại. Và cũng là lời tự nhủ từ lớn đến bé trong khoa: “ chúng ta chiến thắng rồi” trong buổi giao ban. 

“Một lần ra bắc để mổ, không khỏi không về nhà”, khó có thách thức nào lớn hơn và phiêu lưu hơn lời tâm sự của bệnh nhân, nhưng một gánh nặng đã tuột khỏi vai của các bạn và tôi. 

Tuần sau người đàn ông xứ Bắc đưa vợ về Nam, một ánh mắt ươn ướt thay cho lời cảm ơn vì ông tìm thấy niềm tin sẽ có một cuộc sống mới với gia đình ông kể từ ngày hôm nay. Tôi ở lại Thủ đô với những người đồng nghiệp bên cạnh lớn từng ngày.


Dr Trần Thiết Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét