13/7/07

BV Xanhpôn đã tái tạo khuôn mặt mất mũi, môi, má như thế nào?

(An ninh Thế giới) - Nhờ áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay, các bác sỹ ở BV Xanh pôn Hà Nội đã tái tạo thành công khuôn mặt bị biến dạng trầm trọng của bệnh nhân Nguyễn Văn Bính ở Thanh Hóa. Khi nhập viện, Bính bị mất hoàn toàn vùng má, mũi và môi phía bên phải.


Ngày 21/1/2007, Khoa Phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Xanh Pôn tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Bính, 21 tuổi từ Thanh Hóa ra với vết thương rất nặng là mất toàn bộ tháp mũi, má phải và môi bên phải. Theo trình bày của gia đình thì nạn nhân bị tai nạn giao thông.

Sơ cứu ban đầu giúp bệnh nhân liền vết thương và ra viện ngày 5/2/2007. Tuy nhiên, do bị thương quá nặng nên mặt nạn nhân đã bị biến dạng hoàn toàn với một vết hổng lớn làm lộ hai lỗ mũi khiến niêm mạc mũi bị khô, vùng má và miệng làm bệnh nhân không thể thở, ăn uống và nói bình thường. Do bị mất một bên môi nên bệnh nhân rất khó khăn trong việc ăn và nói.


Vết thương trên mặt bệnh nhân Bính trước khi phẫu thuật. 

Ngày 18/4/2007, bệnh nhân Bính quay trở lại nhập viện để chuẩn bị cho lần phẫu thuật tái tạo khuôn mặt.

Theo Tiến sĩ Trần Thiết Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, năm nào bệnh viện cũng thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật tạo hình, trong đó ngoài những ca không có mũi do dị tật thì có những ca rất oái oăm như một cháu bé 8 tuổi bị chó cắn mất cả mũi... với trường hợp đó chỉ cần phẫu thuật chuyển vạt da từ trán xuống là được. Nhưng trong trường hợp này, nạn nhân mất cả môi, má và toàn bộ khối cánh mũi. Vì vậy khi phẫu thuật phải tái tạo lại cùng lúc cả ba bộ phận này với điều kiện sau khi phẫu thuật, ngoài tính thẩm mỹ thì quan trọng nhất là những bộ phận này phải thực hiện được chức năng.

Một cái khó nữa là do cùng lúc phải tái tạo 3 bộ phận nên kíp mổ sẽ phải kết hợp cùng lúc ba kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay trong phẫu thuật tạo hình và vi phẫu đó là: kỹ thuật giãn da, kỹ thuật tạo hình vạt da cân và kỹ thuật vi phẫu mạch máu thần kinh. Những bác sĩ giỏi nhất được chọn để thực hiện ca phẫu thuật phức tạp này gồm Tiến sĩ Trần Thiết Sơn và các bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Nguyễn Vũ Hoàng, Uông Thanh Tùng, Đào Văn Giang, Hoàng Phương Lan và Phạm Nhật Dung.

Với vết thương quá nặng nên kíp phẫu thuật quyết định sẽ phải trải qua 3-4 lần phẫu thuật, trong đó 2 lần đầu là quyết định. Ngày 18/4/2007, lần phẫu thuật thứ nhất được thực hiện, bệnh nhân được đặt một túi giãn da ở đùi trái, nơi được chọn là chỗ lấy da cho việc phẫu thuật tái tạo mặt sau này.

Sở dĩ phải chọn chỗ vùng đùi vì có ưu điểm là cho một vùng da cân kèm theo mạch máu đủ để tái tạo các vùng ở mặt. Mặt khác da vùng đùi của bệnh nhân tương đồng với vùng mặt, việc chuyển một vạt da cân như vậy không ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ của bệnh nhân. Việc đặt túi giãn (chứa nước muối sinh lý vô trùng) có tác dụng làm mỏng da vùng đùi, diện tích da sẽ rộng hơn để đủ che một khuyết lớn vùng mặt. Trong thời gian 2 tháng, bệnh nhân được điều trị ngoại trú, túi giãn được bơm căng dần bằng cách 2-3 ngày bơm nước một lần.

Cũng cần nói thêm là kỹ thuật giãn da này mới được áp dụng ở Việt Nam từ 2 năm nay và hiện nay ngoài Bệnh viện Xanh Pôn chỉ có 2 cơ sở y tế khác đủ trình độ áp dụng là Bệnh viện 108, Viện Bỏng Quốc gia.  

Ngày 18/6/2007, bệnh nhân được nhập viện để chuẩn bị cho lần phẫu thuật quyết định. Lúc này túi nước muối sinh lý đặt ở đùi đã được bơm vào tổng cộng 1.000 CC, mảng da rộng (có diện tích tới 14 x16cm) đủ để dùng tái tạo vết thương. Do thương tật của bệnh nhân là thương tật khuyết phức hợp má, mũi, môi; mất cơ, niêm mạc, da với diện tích tổn thương lên tới 14x12cm vì vậy công tác chuẩn bị được tiến hành rất công phu; từ vạt da sẽ lấy từ đùi, các bác sĩ phải dựng không gian 3 chiều toàn bộ cấu trúc của má, mũi, môi để từ đó tính toán chi li với mảng da ấy, chỗ nào dùng làm mũi, chỗ nào làm môi, chỗ nào làm má. Trong đó khó nhất là dựng không gian 3 chiều khối cánh mũi để tính được diện tích mảng da sẽ đắp lên, nếu tính không chuẩn sẽ rất khó thành công.

Sáng 22/6, ba kíp phẫu thuật tiến hành đồng thời các công việc của mình. Kíp thứ nhất thực hiện việc sửa lại vùng sẹo cũ ở mặt, tìm và phẫu tích các động tĩnh mạch và thần kinh của mặt để chuẩn bị cho việc ghép vạt da cân. Kíp thứ hai lấy một phần xương mào chậu dài 2,5cm và ghép vào vùng sống mũi đã bị mất, đây là những bước quan trọng cho việc đón nhận mảnh ghép. Kíp thứ ba phẫu tích vạt da cân ở đùi, bộc lộ mạch máu thần kinh, dựng lại toàn bộ hình dáng của mũi và má miệng. Sau đó các phẫu thuật viên thực hiện kỹ thuật nối mạch máu thần kinh dưới kính hiển vi nhằm phục hồi lại khả năng sống của vạt tại nơi ghép. Toàn bộ phẫu thuật kéo dài trong 11 tiếng.



Bệnh nhân Nguyễn Văn Bính sau khi phẫu thuật. 

Chỉ sau 4 ngày phẫu thuật, bệnh nhân Bính đã có thể đi lại và phần ghép trên mặt sống hoàn toàn, tái tạo được mũi, che phủ toàn bộ má và làm lại môi. Nếu như trước đây bệnh nhân không ăn uống gì được, thậm chí dùng ống hút cũng không được thì bây giờ có thể ngậm miệng được. Dự kiến sau 3 tuần, bệnh nhân sẽ quay trở lại để sửa một số chỗ như tách hai môi, làm lỗ mũi và  làm mỏng da vùng má.... do bệnh nhân còn trẻ tuổi, khả năng phục hồi nhanh nên sau 3-6 tháng, toàn bộ vùng da ghép sẽ khôi phục cảm giác.

Cho tới thời điểm này, chi phí cho ca phẫu thuật là khoảng 80 triệu đồng nhưng chi phí này được Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn hỗ trợ.

Theo Tiến sĩ Trần Thiết Sơn, ca phẫu thuật này là một thành công của Khoa Phẫu thuật tạo hình trong việc tái tạo tạo hình toàn bộ mũi, má, môi bằng việc kết hợp ba kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay, nhờ đó việc hồi phục về cảm giác và chức năng của vùng ghép diễn ra nhanh chóng, sớm trả bệnh nhân về với cuộc sống của mình


  Nguyễn Thiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét