17/10/12

Phần 3 - Mục sở thị ca phẫu thuật nâng "vòng 1"


(VTC News) - Khi nâng ngực, bệnh nhân sẽ được gây mê và không biết bác sĩ xử lý như thế nào với ngực của mình. Phóng viên VTC News đã mục sở thị một ca phẫu thuật nâng ngực, nhằm giúp bạn hiểu phần nào công cuộc làm đẹp của mình.








“Bảo bối” của phẫu thuật nâng ngực

Nâng ngực là kỹ thuật ngoại khoa, ghép độn dị chất tạo hình vào trong cơ thể. Các dị chất - túi nâng ngực - hiện nay, được biết đến là các loại túi gel silicon và túi huyết thanh (nước biển).

BS Nguyễn Hữu Thọ, Chủ nhiệm Khoa phẫu thuật Hàm mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Túi silicon lỏng, hay còn gọi là silicon gel, đã được phát triển tới đời thứ 3, sau khi có những lo ngại về hiện tượng vỡ chất silicon và gây ra viêm. Các hãng sản xuất đã nâng cấp thế hệ hai với vỏ bao dày hơn trước hoặc có 2 lớp. Thế hệ 3, silicon đã đặc hơn, khi bổ dọc ra có thể thành miếng mỏng, chứ không bị chảy vì lỏng. Tuy nhiên, thế hệ silicon thứ 3 này hiện chưa có ở Việt Nam, mà chỉ mới là các túi gel thế hệ hai.

Túi silicon gel còn có 2 loại là vỏ trơn và vỏ nhám. Cải tiến từ trơn sang nhám, theo BS Thọ, là nhằm để giảm bớt các biến chứng có thể có, trong đó có biến chứng co bao, vốn được xem là khắc tinh với bệnh nhân nâng ngực.

Với túi huyết thanh, BS Thọ cho biết, có người dùng túi ngực nước biển có cảm giác nghe thấy tiếng óc ách của nước, hoặc sờ thấy lóp bóp của vỏ túi. Túi có van để bơm huyết thanh vào, nên khả năng rò rỉ vẫn có. Do vậy, hiện nay, nhiều người vẫn lựa chọn túi gel silicon để nâng ngực.

Mục sở thị một ca phẫu thuật nâng ngực

Thời gian cho một ca phẫu thuật nâng ngực kéo dài từ 55 đến 60 phút. Nếu thời gian mổ quá lâu, theo BS Trần Thiết Sơn, chủ nhiệm khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh pôn, khả năng nhiễm trùng cao hơn.

Bệnh nhân sau khi được gây mê, bác sĩ sẽ rạch một đường sâu từ 2 đến 3 lớp, tùy theo vị trí đặt túi ngực là trước hay sau cơ. Sau đó tạo một khoang trống ở dưới vú và đặt vào đó túi nâng ngực.


Có hai vị trí đặt túi nâng ngực: trước cơ và sau cơ.

Vị trí rạch mà BS Trần Thiết Sơn làm cho bệnh nhân trong ca phẫu thuật nâng ngực này chính là một vết mổ dài 4cm ngay tại quầng vú, cắt qua 3 tầng: da, tuyến vú và cơ. Vị trí này dễ làm vết mổ mờ nhanh, khó nhìn thấy. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể rạch nâng ngực tại 2 vị trí khác nữa là dưới nách hoặc dưới nếp gấp ngực. BS Sơn cho biết, nếu mổ theo đường dưới nách, bác sĩ không có kinh nghiệm sẽ dễ làm “đầu ti” mất cảm giác sau này. Do kỹ thuật gây mê hiện đại, hạ huyết áp xuống, nên người bệnh mất rất ít máu.


Bác sĩ vừa phải dùng sức, vừa phải khéo léo để đưa túi ngực vào trong khoang trống vừa tạo ra. 

Sau đó, qua vết mổ 4cm này, BS Sơn đã nhét túi silicon gel vào. Đây là công đoạn khó nhất của ca mổ, vì bác sĩ phải khéo léo và phải dùng lực khá mạnh mới có thể nhét túi có thể tích 280ml qua một lỗ nhỏ như thế này.


Sau khi nhét vào, bác sĩ sẽ dùng ngón tay đưa vào trong, dàn đều túi silicon gel trong khoang trống đó sao cho túi phẳng phiu, đúng hình dáng ban đầu, cân đối với ngực. Việc này cần có kinh nghiệm vì nếu không dàn đều, hình dáng ngực sau khi nâng sẽ méo mó, không cân đối giữa hai bên và tăng nguy cơ bị co bao.


Bác sĩ đang chỉnh lại túi silicon gel vừa đưa vào trong ngực bệnh nhân.

Với túi huyết thanh, ban đầu khi đưa vào cơ thể người chỉ là vỏ, nên lỗ mổ nhỏ hơn, từ 2 đến 3 cm. Sau khi đưa vào, bác sĩ bắt đầu bơm dung dịch nước biển vào túi.



Ngực sau khi nâng một bên (phải)...

Sau công đoạn kiểm tra vị trí túi xong, bác sĩ sẽ khâu các lớp cơ, tuyến sữa và da bằng chỉ tự tiêu, đồng thời để đường ống dẫn các máu tụ, dịch cơ thể tiết ra sau mổ và bắt đầu băng bó ngực bằng một áo con chuyên dụng. Áo con này sẽ phải mặc trong khoảng thời gian 1 tháng, nhằm cố định quả ngực, tránh đung đưa, chuyển động khi người bệnh bước đi giúp giảm đau tối đa cho bệnh nhân.



Và sau khi đã hoàn chỉnh ca phẫu thuật.

Hiện nay, các phòng mổ nâng ngực của các cơ sở có uy tín như Bệnh viện TW Quân đội 108, Bệnh viện Xanh pôn, Bệnh viện Hòe Nhai đều đã được trang bị các phương tiện nhập ngoại hiện đại như nội soi nâng ngực (gắn đèn và camera để xem quá trình bóc tách); sử dụng phương tiện đưa ánh sáng vào tận trong khoang, trong quá trình bóc tách để không phạm vào mạch.


Muốn thay đổi kích cỡ sau khi nâng ngực?

Mỗi túi ngực có một kích cỡ, hình dáng khác nhau và bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân với chiều cao, cân nặng, số đo vòng 1, hình dáng ngực… của mình nên dùng kích cỡ nào.

Tuy nhiên, nếu nâng ngực quá to hoặc vẫn muốn nâng ngực to hơn nữa, bạn phải mổ thay túi vì một túi ứng với thể tích nhất định. Với túi silicon gel, bác sĩ không thể tự rút dịch ra để làm nhỏ nó hoặc không thể bơm thêm.

Với túi huyết thanh, nếu rút dung dịch muối biển ra quá nhiều, sẽ để lại khoảng trống và nếp nhăn trong bao, người ta có thể cảm nhận thấy vết nhăn đó qua da. Nếu muốn nhỏ lại thì tốt nhất là thay túi.

BS. TS Nguyễn Hữu Thọ - Chủ nhiệm Khoa phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình Bệnh viện TW quân đội 108



 Bài và ảnh Hiền Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét