25/4/17

Phẫu thuật tạo hình là gì?

DrTTS - Truyền thông và công chúng thường đánh đồng khái niệm phẫu thuật tạo hình với phẫu thuật thẩm mỹ và có xu hướng hạn chế sự hiểu biết của mình ở phẫu thuật thẩm mỹ - một nhánh nhỏ của ngành phẫu thuật tạo hình. Trên thực tế, phần lớn các phẫu thuật được bác sĩ chuyên ngành này thực hiện là phẫu thuật tạo hình chứ không phải phẫu thuật thẩm mỹ.




1. Phẫu thuật tạo hình là gì?

Từ đầu tới chân, từ trẻ sơ sinh tới người già, phẫu thuật tạo hình được sử dụng để điều trị rất nhiều dạng bệnh lý khác nhau.

Phẫu thuật tạo hình là phẫu thuật để sửa chữa và phục hồi chức năng của con người. Chúng được thực hiện để sửa chữa và tạo lại hình dáng của các phần cơ thể bị ảnh hưởng bởi dị tật bẩm sinh, phát triển bất thường, chấn thương, nhiễm trùng, các khối u và bệnh tật.

Bằng các kỹ thuật tạo hình đa dạng, bác sĩ phẫu thuật tạo hình sẽ lấp đầy các lỗ hổng và sửa chữa tổn thương tiên phát thông qua việc di chuyển mô từ phần này tới phần khác của cơ thể. Mục tiêu chính là phục hồi cơ thể hay chức năng của một bộ phận đặc biệt của cơ thể. Bên cạnh đó, phẫu thuật viên cũng cố gắng cải thiện và phục hồi vẻ ngoài của người bệnh. Và những khi có thể, bác sĩ sẽ cố gắng giảm thiểu ảnh hưởng thẩm mỹ của vết thương hay khuyết hổng ban đầu, cũng như ảnh hưởng của bản thân ca phẫu thuật.

Phẫu thuật thẩm mỹ là nhánh mở rộng của chuyên ngành phẫu thuật tạo hình, trong đó lợi ích chính được chờ đợi là sự cải thiện hình thức bên ngoài. 

2. Các bệnh lý hay bất thường được điều trị bằng phẫu thuật tạo hình

Phẫu thuật tạo hình được sử dụng để điều trị một loạt các bệnh lý thuộc 2 nhóm chính là bệnh lý bẩm sinh và bệnh lý mắc phải.

a. Bệnh lý bẩm sinh  

Các bệnh lý bẩm sinh là các bệnh lý xuất hiện ngay từ khi sinh. Bệnh lý bẩm sinh được điều trị bằng phẫu thuật tạo hình bao gồm:

Khe hở môi-vòm
Phẫu thuật viên sử dụng các mảnh ghép và vạt cục bộ để sửa chữa các vùng môi và vòm không dính hoàn toàn.

Dị dạng mạch máu, ví dụ bớt bẩm sinh
Thực hiện phẫu thuật cắt bỏ kết hợp với các phương án điều trị khác để điều trị các dị tật động mạch-tĩnh mạch và một số u mạch máu.

Tai vểnh, tai bị co thắt, tai nhỏ
Phẫu thuật tạo hình được sử dụng để chỉnh sửa tất cả các loại khuyết tật của tai, ví dụ như phẫu thuật chỉnh hình cho tai vểnh hay tai bị co thắt và tạo hình tự thân cho tai nhỏ.

 Lỗ tiểu thấp
Tạo hình mô mềm được sử dụng để chỉnh sửa khuyết tật niệu đạo ở bé trai.

Các bênh lý sọ mặt
Phẫu thuật tạo hình được sử dụng để chỉnh sửa một loạt các biến dạng sọ và mặt, ví dụ tật dính khớp sọ sớm.

Biến dạng bàn tay
Phẫu thuật viên cũng có thể chỉnh sửa các dị tật bẩm sinh của bàn tay, ví dụ trẻ sinh ra có quá nhiều hay quá ít ngón tay.

b. Bệnh lý mắc phải

Bệnh lý mắc phải là những bệnh lý phát triển hay xuất hiện sau khi sinh. Chúng có thể bao gồm các bệnh lý và tình trạng nhiễm trùng, hoặc bất thường do chấn thương, tai nạn. Các bệnh lý mắc phải được điều trị bằng phẫu thuật tạo hình bao gồm:

 Ung thư
Bác sĩ phẫu thuật tạo hình sử dụng rất nhiều thời gian để mổ cho bệnh nhân ung thư. Phẫu thuật tạo hình - chủ yếu là cắt bỏ, đóng vết thương và tạo hình bằng vạt - được sử dụng để điều trị một loạt bệnh lý ung thư, đặc biệt là ung thư ở da, vú, đầu và cổ, và ung thư mô liên kết sarcoma.

Chấn thương
Phẫu thuật tạo hình là phương pháp điều trị chủ chốt trong chấn thương. Các tổn thương này thường liên quan nhiều nhất tới bàn tay – 50% công việc được thực hiện tại các khoa phẫu thuật tạo hình thường liên quan tới chấn thương bàn tay. Các vết gãy hở của chi dưới hay chấn thương mô mềm ở mặt cũng là các bệnh lý thường gặp trong phẫu thuật tạo hình.

Nhiễm trùng
Phẫu thuật tạo hình được sử dụng để loại bỏ mô chết sau các nhiễm trùng nặng và sửa chữa các vùng lân cận.

Bỏng
Bác sĩ phẫu thuật tạo hình là bác sĩ đầu tiên tham gia hồi sức cấp cứu, điều trị ngoại khoa và tạo hình cho bệnh nhân bị bỏng.

Phẫu thuật bàn tay
Các bác sĩ thường phải xử lý rất nhiều bệnh lý ảnh hưởng tới bàn tay ví dụ như chèn ép thần kinh, liệt, viêm khớp, hạch, bệnh co thắt Dupuytren...

Nguồn: Hội Bác sĩ Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ Anh




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét