DrTTS - Phẫu thuật tạo hình là chuyên ngành kỹ thuật nhằm mục đích chỉnh sửa. Từ ‘tạo hình’ (tiếng Anh là Plastic) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp ‘plastikos’, nghĩa là tạo khuôn hay tạo hình dáng. Điều này cho thấy việc sửa chữa chủ yếu được thực hiện bằng cách di chuyển mô.
Trong những thập niên gần đây, hiểu biết và kỹ năng của chuyên ngành phẫu thuật tạo hình đã gia tăng đáng kể, vì vậy các kỹ thuật hiện đang được các bác sĩ phẫu thuật tạo hình sử dụng đều tương đối mới. Trước đây bác sĩ phẫu thuật tạo hình chủ yếu thực hiện các ca ghép da, ngày nay phẫu thuật tạo hình bao gồm hàng loạt thủ thuật hiệu quả cao liên quan tới việc di chuyển các khối mô lớn vòng quanh cơ thể.
Trong 3 thập niên cuối của thế kỷ 20, một cuộc cách mạng đã xảy ra trong ngành phẫu thuật tạo hình khi các bác sĩ ứng dụng hiểu biết mới về nguồn cung cấp máu của mô, hay hệ thống mạch máu, để phát triển một số lượng lớn các phẫu thuật vạt. Hiện nay, phẫu thuật vạt và vi phẫu thuật đã cho phép các bác sĩ cải thiện đáng kể khả năng phục hồi chức năng và hình dáng của bệnh nhân bị tổn thương hay biến dạng nặng nề.
Các kỹ thuật chính sử dụng trong phẫu thuật tạo hình là:
A.Ghép da
Ghép da là lấy một miếng da lành từ một vùng của cơ thể - được gọi là nơi cho - để che phủ một vùng khác, nơi da bị mất hoặc bị tổn thương. Miếng da dùng để ghép sẽ được cắt rời khỏi nơi cho và cần được cung cấp máu mới để phát triển và bám dính vào nơi nhận.
Có 3 kiểu ghép da chính:
1.Ghép da mỏng
Thường được sử dụng để điều trị bỏng hay các tổn thương khác, chỉ sử dụng lớp da nằm gần nhất với bề mặt. Trong ghép da mỏng, lớp bề mặt của da (biểu bì) được tách rời cùng một phần của lớp sâu hơn (trung bì). Một phần của trung bì được để lại nơi cho. Điều này cho phép nơi đó liền thương giống như khi da bị trầy xước.
2.Ghép da dày toàn bộ
Thường được dùng để điều trị các khuyết hổng tương đối nhỏ ở mặt hay bàn tay. Tất cả các lớp của da ở nơi cho đều được sử dụng. Trong ghép da dày toàn bộ, toàn bộ lớp trung bì và biểu bì nằm trên đều được tách rời. Vết thương ở nơi cho được đóng lại bằng các mũi khâu.
3.Ghép phức hợp
Dùng để điều trị các vết thương có hình dáng hay đường viền phức tạp, ví dụ sau cắt bỏ khối ung thư da ở mũi, mảnh ghép sẽ bao gồm tất cả các lớp của da, mỡ và đôi khi cả lớp sụn phía dưới tại nơi cho.
B- Giãn tổ chức
Giãn tổ chức là kỹ thuật cho phép cơ thể ‘mọc’ thêm da mới bằng cách giãn tổ chức xung quanh. Một thiết bị hình quả bóng gọi là túi giãn được đưa vào dưới da gần vùng cần sửa, sau đó được bơm đầy từ từ bằng nước muối sinh lý, khiến cho da dãn rộng và phát triển. Thời gian cần cho giãn mô tùy thuộc vào từng bệnh nhân và kích thước vùng cần sửa chữa.
C- Phẫu thuật vạt
Tạo hình vạt liên quan tới việc chuyển các mẩu mô sống từ một phần của cơ thể tới một phần khác, có đi cùng mạch máu để giữ cho vạt được sống. Khác với ghép da, vạt mang theo mạch máu của chính mình, vì vậy có thể dùng để sửa chữa các khuyết hổng phức tạp hơn. Phẫu thuật vạt có thể phục hồi hình dáng và chức năng các vùng của cơ thể đã bị mất da, mỡ, chuyển động cơ, và/hoặc khung xương. Có ba loại vạt chính, đó là:
1.Vạt tại chỗ
Vạt cục bộ sử dụng một mẩu da và mô bên dưới ở gần nơi vết thương. Với một đầu không bị tách rời để tiếp tục được nuôi dưỡng bởi nguồn cung cấp máu ban đầu, vạt sẽ được dịch chuyển lên vùng vết thương.
Trong hình trên, một khối u da đã được cắt bỏ khỏi mũi, để lại một khuyết hổng không thể khâu đơn thuần bằng chỉ. Một vạt cục bộ, gọi là vạt hai thùy, được sử dụng để đóng khuyết tổn. Vạt này bao gồm da cùng với mô mềm ở dưới và nguồn cung cấp máu. Vạt cục bộ như thế này hoạt động dựa trên nguyên tắc da có độ đàn hồi nhất định và sử dụng phần da lỏng lẻo ở sống mũi để đóng khuyết hổng gần chóp mũi, nơi da thường căng khít.
2.Vạt lân cận
Vạt khu vực sử dụng một đoạn mô được gắn với một mạch máu nhất định. Khi nâng vạt, chỉ cần để nó bám một phần rất hẹp vào vị trí ban đầu để nhận được nguồn cung cấp máu từ động mạch và tĩnh mạch. Hình phía dưới mô tả việc chuyển cơ từ cẳng chân, giữ nguyên nguồn cung cấp máu để che phủ một vết thương hở dưới đầu gối.
3. Vạt tự do/vi phẫu
Tạo hình vạt tự do cũng liên quan tới chuyển mô sống từ một phần của cơ thể tới phần khác, cùng với mạch máu để vạt có thể sống sót.
Vạt tự do là biến thể xa hơn của chuyển vạt, nơi vạt được tách hoàn toàn khỏi nguồn cung cấp máu ban đầu và sau đó nối lại bằng vi phẫu thuật ở nơi nhận.
Trong hình trên, bệnh nhân bị gãy hở ở phần dưới cẳng chân phải. Người ta lấy một cơ từ đùi trái của người bệnh và chuyển nó sang cẳng chân phải của người này. Các mạch máu giữ cho cơ sống sót được tách ra khỏi đùi trái cùng với vạt, chia tách và nối lại với các mạch máu của cẳng chân phải bằng vi phẫu. Nhờ thế vạt sống được ở vị trí mới.
Để kết thúc quá trình tạo hình, một mảnh ghép da mỏng được lấy từ đùi trái và đặt lên phía trên vạt cơ tự do. Vạt này được gọi là vạt cơ khép mông tự do. Kỹ thuật nói trên bao gồm việc móc nối các mạch máu nhỏ li ti của vạt với các mạch máu ở nơi mới, thực hiện dưới kính hiển vi, từ đó xuất hiện tên gọi vi phẫu thuật.
Hơn bất kỳ kỹ thuật
nào, vi phẫu thuật đã tạo nên cuộc cách mạng trong ngành phẫu thuật tạo hình, và hiện trở thành lựa chọn điều trị dứt điểm cho bệnh nhân ung thư và
chấn thương lớn.
Trong hình nói trên, một
vạt tự do gồm một phần da và mỡ của bụng dưới được chuyển lên ngực để
tạo hình vú. Các mạch máu giữ cho mô này sống sót được chia tách khi xuất hiện
từ vùng bẹnh và được nối bằng vi phẫu thuật với các mạch máu ở ngực nhằm phục hồi
nguồn cung cấp máu cho vạt. Kỹ thuật này được gọi là tạo hình vú bằng vạt da - cơ
thẳng bụng tự do.
Nguồn: Hội Bác sĩ Phẫu
thuật Tạo hình và Thẩm mỹ Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét