28/6/02

Thay da đầu bị bỏng axit bằng kỹ thuật giãn da

Phần da đầu bị sẹo bỏng
của chị H.

 (VnExpress) - Là nạn nhân của một vụ tạt axit cách đây 4 năm, chị Phạm Thị H., 32 tuổi (Kiến An, Hải Phòng), phải chịu cảnh một nửa đầu không có tóc. Mới đây, vào ngày 18/6, các bác sĩ tại Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình Hà Nội đã thực hiện thành công việc thay da cho toàn bộ vùng sẹo bỏng này.










Phương pháp giãn da cho phép các bác sĩ từ một vùng da đầu mang tóc bằng lòng bàn tay tạo ra một mảnh da mới rộng gấp 3-4 lần, đủ che phủ toàn bộ đầu. Nhờ đó, những nơi không có tóc sẽ được thay bằng da đầu mới hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng là vùng da mới này mang cả tóc, và tóc cũng sẽ phát triển bình thường. Cảm giác của da phục hồi sau 2-3 tuần.

Thạc sĩ Trần Thiết Sơn, Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình Hà Nội, cho VnExpress biết, công việc chuẩn bị được bắt đầu từ 6 tuần trước đó. Vào cuối tháng 4/2002, các bác sĩ đã cấy cho chị H. một túi giãn da vào vùng đỉnh đầu, nơi duy nhất còn da lành mang tóc bình thường. Liên tục trong 6 tuần, các bác sĩ đã bơm căng túi này bằng nước muối sinh lý, giúp da đầu phát triển và tăng diện 
tích. Trong thời gian đó, mọi sinh hoạt của chị H. vẫn diễn ra bình thường.

Khi vùng da đầu mới đủ lớn, các phẫu thuật viên đã cắt bỏ toàn bộ vùng sẹo và thay thế bằng miếng da mới có đầy đủ tóc. Ngày 25/6 (một tuần sau khi mổ), chị H. đã trở về với công việc bình thường và không còn mặc cảm với cái tên gọi "sọ dừa" mà mọi người đặt cho chị nữa.

Chị H. sau phẫu thuật thay da mới.

Thạc sĩ Sơn cho biết, chị H. là bệnh nhân thứ 10 được phẫu thuật thay da đầu bằng phương pháp giãn da tại Trung tâm. Đây cũng là trường hợp có phần da bị bỏng rộng nhất (trên 60% diện tích da đầu). Ca đầu tiên được thực hiện năm 1987. Nguyên nhân gây sẹo bỏng ở đầu có nhiều nhưng tất cả các bệnh nhân đều có biểu hiện chung là tóc không thể mọc tại nơi có sẹo bỏng.

Trước khi có phương pháp giãn da, người bệnh chỉ có một cách duy nhất là đội tóc giả để che đi vùng da đầu không có tóc. Điều này hạn chế các hoạt động xã hội và sinh hoạt bình thường của họ. Riêng với trẻ em, sẹo bỏng ở đầu còn gây nguy hiểm về lâu dài như hạn chế sự phát triển của các khớp sọ, khiến hộp sọ không thể nở rộng bình thường.

Theo thạc sĩ Sơn, thay da đầu bằng giãn da không phải là một kỹ thuật khó thực hiện. Điều quan trọng nhất là phải tạo được hướng tóc phù hợp giữa vùng da đầu mới thay với vùng da đầu xung quanh. Một sai sót nhỏ trong khi chọn vị trí cấy túi ở da đầu cũng có thể làm hướng tóc sau này thay đổi, gây khó khăn cho bệnh nhân khi chải tóc hay để kiểu tóc, đặc biệt là ở phụ nữ.

Trên thế giới, ngoài những trường hợp mất tóc do sẹo bỏng có chỉ định tuyệt đối của kỹ thuật giãn da, một số trường hợp khác như khuyết da đầu do dính sọ bẩm sinh, do các khối u lành tính da đầu, hoặc hói ở nam giới cũng có thể áp dụng kỹ thuật này.


BS Thu Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét