(SK&ĐS) - Con trai tôi vừa
sinh đã có vết như vết son trên má. Dân gian gọi đấy là vết chàm. Nhưng gần đây
đọc báo, tôi biết bệnh u máu cũng có những biểu hiện lúc đầu tương tự như vết
chàm. Vậy u máu và vết chàm có khác nhau không, làm thế nào để phân biệt được vết
đỏ trên mặt là vết chàm hay u máu? (Trần Thị Hòa - Cần Thơ)
Dân gian gọi những vết bớt xanh trên da của cơ thể,
trên mặt là vết chàm. Các vết chàm này thường có ngay sau khi sinh, chúng không
thể biến mất theo thời gian, chúng có thể trở nên khó chịu và kém thẩm mỹ nếu nằm
ở trên mặt. Riêng ở trẻ em châu Á, những vết bớt lớn màu xanh ở mông và lưng sẽ
nhạt dần và hết hẳn khi trẻ lớn. Bản chất của các vết chàm này là sự tập trung
quá nhiều các tế bào sinh sắc tố trong da.
Vết chàm (bớt) trên má trẻ
U máu là một từ thông dụng trong ngôn ngữ nói để chỉ
những bệnh lý về mạch máu của da. U máu thực sự là những u chỉ xuất hiện sau
khi đứa trẻ sinh được 1-4 tuần, đây là tình trạng phát triển bất thường của các
mạch máu trong da. Các u máu sẽ phát triển rất nhanh về kích thước trong một vài
tuần đầu tiên sau khi trẻ sinh có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ.
Các u máu sẽ ngừng phát triển khi trẻ được 12-18 tháng, rồi sau đó không phát
triển. Các di chứng của u máu chủ yếu về vấn đề thẩm mỹ nếu chúng nằm ở vùng đầu
mặt cổ.
Một dạng bệnh lý khác cũng được gọi là u máu, nhưng thực
ra là tình trạng bất thường của mạch máu, đó là dị dạng mạch máu bẩm sinh với
các biểu hiện của dị dạng mao mạch (hay còn gọi là bớt đỏ, u máu phẳng), dị dạng
tĩnh mạch, dị dạng động mạch, dị dạng bạch mạch và thể hỗn hợp. Các dị dạng mạch
máu có ngay sau khi sinh, hình thái lâm sàng thay đổi tùy loại mạch máu bị tổn
thương.
Việc phân biệt vết chàm và u máu khá dễ nhờ dựa vào
màu sắc của vết bớt. Tuy nhiên phân biệt giữa u máu và dị dạng mạch máu là
tương đối khó hơn, cần có sự khám xét của bác sĩ chuyên khoa.
TS TRẦN THIẾT SƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét