6/7/09

Nhiều trẻ tàn tật vì chữa u máu không đúng


(Đất Việt) - Cháu T. 8 tuổi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được đưa đi khám trong tình trạng hai chân lệch nhau tới 10 cm, phần chân thấp hơn còn bị teo tóp, khiến cháu không thể đi đứng bình thường. Mẹ cháu cho biết, sau khi sinh được một tuần, chân T. xuất hiện một cái bớt đỏ và phát triển rất nhanh. Sau khi khám và xạ trị, bớt đỏ này biến mất nhưng chân cháu bị dị tật rất nặng nề.












U máu là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, với tỷ lệ 10% - 12%. Tuy nhiên, việc điều trị u máu không đúng cách có thể gây nên những biến chứng nặng nề cho trẻ.

Bác sĩ Uông Thanh Tùng, khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, cho biết trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 3 - 4 bệnh nhân tới điều trị u máu, 1/3 trong số đó bị biến chứng do trước đó điều trị không đúng cách.

Thọt chân vì xạ trị u máu
  
Theo tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, nguyên nhân của tình trạng này là do khi còn nhỏ, trẻ được điều trị bằng xạ trị hoặc tiêm xơ (tiêm thuốc ngăn cản chất nuôi dưỡng đến nuôi khối u). Đây là phương pháp mà thế giới dùng cách đây 40 - 50 năm. Một biến chứng thường gặp sau khi xạ trị là viêm hoại tử tái phát ở vùng chiếu xạ. Đặc biệt, có nhiều trường hợp gây rối loạn sự phát triển của các vùng mô phía dưới u, gây thiểu dưỡng da và tổ chức dưới da, thiểu dưỡng xương hàm, lép nửa mặt, thoái hóa khớp gối, ngắn chi, lệch vẹo cột sống... thậm chí gây vô sinh.

Thông thường, những di chứng này không xảy ra ngay sau khi điều trị, mà thường được biết đến sau 2 - 3 năm, thậm chí sau 10 - 15 năm, khi trẻ vào giai đoạn phát triển. Việc điều trị các di chứng này thường rất khó khăn và tốn kém. Các bác sĩ phải tái tạo lại phần bị thiếu hụt, nhưng đôi khi không khắc phục được hoàn toàn, hoặc chỉ giải quyết được chức năng thẩm mỹ, đặc biệt là các bộ phận liên quan đến giới tính.

80% u máu bẩm sinh sẽ tự mất

Theo bác sĩ Tùng, bệnh u máu có đặc điểm chỉ xuất hiện vào tuần lễ thứ nhất hay thứ tư sau khi sinh, trẻ gái mắc bệnh nhiều gấp đôi so với trẻ trai. Bệnh thường có hai loại: u máu thông thường và u dị dạng mạch máu.


Khám cho trẻ bị u máu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Xuân Trường.

Tiến sĩ Trần Thiết Sơn cho biết, có tới 80% u máu bẩm sinh sẽ biến mất hoặc không tiếp tục phát triển cho đến khi trẻ lên 5 tuổi và hết hoàn toàn khi trẻ 7 - 10 tuổi mà không cần điều trị gì. Tuy vậy, các bậc cha mẹ cũng không nên chủ quan bởi u máu trong quá trình phát triển thường để lại các tổn thương như loét, hoại tử, bội nhiễm thứ phát..., thậm chí suy tim hay tắc mạch (ít xảy ra và chỉ có ở u máu trong da). Đặc biệt, các u nằm ở một số vùng như mi mắt, mũi, tai, miệng, hậu môn... sẽ gây ra những rối loạn nặng nề về chức năng cho trẻ. Vì vậy, các phụ huynh cần đưa trẻ đi khám và theo dõi diễn tiến của u.

Nếu qua 5 - 6 tuổi, u không hết thì mới nên điều trị. Can thiệp phẫu thuật triệt để được chỉ định với những u ảnh hưởng tới chức năng hoặc gây biến dạng như u ở vùng niêm mạc, mắt, ống tai, đường thở hay u có nguy cơ lan tỏa xâm lấn. Tuyệt đối không nên tiêm xơ hoặc xạ trị cho trẻ.


Tường Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét