29/4/12

‘‘Sởn tóc gáy” vì... làm đẹp


ANTĐ Chị Trần Thu Hà, quận Long Biên nhập viện do bơm mỡ nhân tạo. Chị cho biết: "Cách đây 1 năm tôi đến thẩm mỹ viện tư nhân để bơm mỡ nhân tạo nâng ngực. Tuy nhiên cách đây 3 tháng tôi thấy ngực xuất hiện nhiều cục cứng, gây đau đớn. Quá lo sợ tôi đến bệnh viện khám mới phát hiện bị biến chứng do silicon. Bác sĩ mổ và nạo ra rất nhiều silicon đóng cục. Với biến chứng này, dù được phẫu thuật cứu chữa  ngực của tôi đã hoàn toàn biến dạng".



Mỡ nhân tạo hay Silicon lỏng?

Trong thời gian qua đã có không ít người mất mạng vì làm đẹp, còn các biến chứng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe thì nhiều vô kể. Khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, luôn phải tiếp nhận nhiều ca bị biến chứng do nâng cấp sắc đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ tư nhân. 

Phương pháp bơm silicon lỏng đã bị ngành y tế cấm dùng trong thẩm mỹ từ năm 1992 do thường xảy ra biến chứng. Tuy nhiên một số trung tâm thẩm mỹ vẫn lừa khách hàng bằng cách gọi tên silicon dạng lỏng này là mỡ nhân tạo. Do chi phí của phương pháp này rẻ hơn đặt túi ngực rất nhiều, thường chỉ từ 7-10 triệu, bằng 1/10 lần đặt túi ngực nên được chị em hay chọn để nâng ngực. Không chỉ nâng ngực, nhiều phụ nữ còn chọn phương pháp tiêm silicon vào bất cứ chỗ nào mình muốn như mông, đùi… Việc bơm silicon lỏng trực tiếp vào cơ thể nhanh gọn, không mất công sức nên nhiều chị em thích cách làm này. Người này giới thiệu cho người kia và vô tình đã trở thành con mồi của những kẻ vô lương tâm. Tại TP. HCM, một bệnh nhân đã tử vong do 3 lần đến cơ sở tư nhân bơm silicon vào ngực. Sau 2 ngày điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân này đã tử vong do bị nhiễm trùng huyết nghiêm trọng.

Bác sỹ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, nhận xét: "Dùng silicon lỏng là mối đe dọa đối với tính mạng con người. Nói rất nhiều rồi nhưng hình như không ai để ý. Chỉ khi có biến chứng thì đã quá muộn".

Làm đẹp bằng tế bào gốc

Tại TP. HCM và Hà Nội, hiện đang có rất nhiều trung tâm thẩm mỹ quảng cáo ứng dụng công nghệ tế bào gốc. Theo quy định của Bộ Y tế, việc ứng dụng công nghệ tế bào gốc lên con người vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, nên trước khi thực hiện một ứng dụng nào, bắt buộc phải có hồ sơ qua nhiều Hội đồng Y khoa và Hội đồng Y đức của Bộ Y tế. Tuy nhiên khi gọi điện đến một trung tâm thẩm mỹ tại quận Hà Đông, Hà Nội, tôi vẫn được nhân viên tư vấn có dịch vụ làm đẹp bằng tế bào gốc. Giá của một gói làm trắng toàn thân bằng cách chích tế bào gốc sống của người khác vào cơ thể là 20 triệu đồng. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá làm đẹp bằng tế bào gốc tại mỗi cơ sở có một giá khác nhau, thông thường từ 1 triệu - 20 triệu, mỗi đợt trị liệu kéo dài trong khoảng 10 lần. Tuy nhiên không phải ai cũng thích hợp với phương pháp này. Trên các trang mạng, nghe theo những lời quảng cáo, phong trào làm đẹp bằng tế bào gốc cũng đang được chị em mê mẩn hào hứng chia sẻ. Chị Nguyễn Lan Anh, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ cho biết: "Tôi đã đầu tư 10 triệu để làm liệu trình trẻ hóa làn da bằng tế bào gốc. Tuy nhiên sau 3 tháng vẫn chưa thấy cải thiện nhiều. Trong khi đó thì nhiều chị em khác lại rất khen".

Theo nhiều bác sĩ đang hoạt động trong ngành thẩm mỹ, công nghệ tế bào gốc đang được ứng dụng một cách bát nháo. Điều này gây nguy hiểm cho người sử dụng. Bởi nếu tạo tế bào gốc không theo quy trình, kỹ thuật vô trùng không đảm bảo thì sẽ rất nguy hiểm cho khách hàng. Nhiều nơi còn quảng cáo quá mức về công dụng của phương pháp này như điều trị được 90% sẹo lõm, rạn da, nám, thâm...

PGS.TS Phan Toàn Thắng, người đã nuôi tách thành công tế bào gốc từ màng dây rốn cho biết: Mặc dù tế bào gốc có rất nhiều điểm ưu việt, tuy nhiên nếu tế bào gốc được lấy từ nguồn không đảm bảo sẽ là con đường lây nhiễm các bệnh nghiêm trọng như: HIV, viêm gan B… Tế bào gốc được chế tạo bằng cách thụ tinh ống nghiệm rất dễ tạo thành các u ác tính khi được phát triển trong môi trường thuận lợi. Chính vì vậy, việc sử dụng các dược phẩm, mỹ phẩm chiết xuất từ tế bào gốc không rõ nguồn gốc sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe con người. Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng: tế bào gốc từ màng dây rốn là biện pháp an toàn đối với người sử dụng.

Cần quản lý chặt

Thông tư 07 của Bộ Y tế Hướng dẫn về hành nghề y, y học cổ truyền và trang thiết bị y tế tư nhân quy định: "Trung tâm thẩm mỹ chỉ được phép làm các phẫu thuật thẩm mỹ từ cằm trở lên, cụ thể là xăm mắt, xăm môi, hút mụn, nâng gò má thấp, nâng sống mũi... Chỉ có các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ hoặc các Khoa phẫu thuật tạo hình của bệnh viện mới được phép làm phẫu thuật thẩm mỹ vùng ngực, vùng bụng...". Tuy nhiên, lâu nay, nhiều người mặc nhiên cho rằng các cơ sở được cấp phép có thể tiến hành tất cả các phẫu thuật thẩm mỹ kể cả nâng ngực, hút mỡ bụng… 

Thêm vào đó, việc kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ tư nhân được phân cấp cho các đơn vị. Cụ thể là Phòng y tế các quận huyện, xã phường tiến hành kiểm tra các phòng khám chuyên khoa trên địa bàn. Sở Y tế chỉ kiểm tra giám sát việc thực hiện cũng như đánh giá kết quả kiểm tra của tuyến dưới. Như vậy, hoạt động kiểm tra chỉ đơn thuần về mặt hành chính, xem có giấy phép hoạt động không, có đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị hay không. Còn việc kiểm tra, giám sát trình độ của đội ngũ bác sĩ, kĩ thuật viên ở các cơ sở này thì liệu cán bộ của tổ y tế xã, phường có đảm nhận được?

Bên cạnh đó, hiện nay đang có rất nhiều trung tâm thẩm mỹ viện tung ra các chiêu thức quảng cáo hấp dẫn, làm đẹp với nhiều phương pháp mới, công nghệ tiên tiến không làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng thực tế thì chưa được kiểm chứng. Vì tin vào những lời quảng cáo thổi phồng quá mức mà không ít người đã trở thành nạn nhân của giải phẫu thẩm mỹ với những biến chứng đeo đẳng suốt cuộc đời.

Trong cuộc họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề liên quan đến Dự thảo luật Quảng cáo, nhiều đại biểu cũng đặt ra vấn đề cần phải siết chặt hoạt động quảng cáo của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, các trung tâm thẩm mỹ đã quảng cáo thổi phồng quá mức. Tại cuộc họp, chính Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng đã phải thừa nhận rằng: “Ngay bản thân tôi là bác sỹ, nhưng mỗi khi nghe quảng cáo về dịch vụ khám chữa bệnh tư nhân, phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân tôi cũng… “sởn tóc gáy”. Trên thực tế các phòng khám tư nhân chỉ có thể chữa được những loại bệnh thông thường, thậm chí không ít cơ sở khám chữa bệnh tư nhân “chữa thương binh thành liệt sỹ”, nhưng họ quảng cáo chữa được bách bệnh, một số bác sĩ chuyên chữa lợn lành thành lợn què mà cũng mở cơ sở giải phẫu thẩm mỹ, quảng cáo rùm beng”. Từ thực trạng này, lãnh đạo ngành y tế đề nghị  các cơ sở khám, chữa bệnh (kể cả cơ sở dịch vụ thẩm mỹ) phải có giấy phép mới được quảng cáo. Nội dung quảng cáo còn phải do cơ quan quản lý chuyên môn thẩm định.

Phát biểu của lãnh đạo ngành y tế cũng đã cho thấy bức tranh bát nháo của dịch vụ giải phẫu thẩm mỹ hiện nay và cũng đặt ra việc cần phải quản lý chặt đối với dịch vụ có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người.


Mai Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét