(Sức khỏe Đời sống) - Vòng ngực to quá khổ là nỗi ám ảnh của những người không may mắc phải căn bệnh này. Trước đây, để phẫu thuật thu gọn vú, người bệnh phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ như mất cảm giác, thậm chí không có núm vú vì núm vú hoại tử… Mới đây, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình, BV đa khoa Xanh Pôn Hà Nội đã thực hiện thành công kỹ thuật mới, thu gọn vú cải tiến bằng cuống mạch nuôi là động mạch ngực ngoài. Đây là BV đầu tiên của cả nước thực hiện kỹ thuật này và cho những kết quả rất đáng ngạc nhiên.
“Có trong mơ tôi cũng không nghĩ đến”
Đây là những lời thể hiện sự xúc động và quá đỗi vui
mừng của chị N.T.T., 50 tuổi TP. Hồ Chí Minh khi chia sẻ với phóng viên báo
SK&ĐS, sau khi chị được các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình, BVĐK Xanh Pôn
phẫu thuật thành công “đôi gò bồng đảo” khổng lồ và dài quá khổ của mình. Chị
N. cho biết, trước đây, khi còn là con gái, chị N. đã có vòng một to bất
thường, đến khi sinh con thì “núi đôi” của chị cứ to dần và không thể trở lại
được như trước.
Hình ảnh trước phẫu thuật thu gọn vú.
Vì vậy đã 10 năm nay chị không chỉ sống trong mặc cảm,
tự ti, xấu hổ mà còn vô vàn sự bất tiện như không mặc được áo lót, ngủ không
nằm ngửa được, cột sống có hiện tượng cong, rất khó khăn trong mỗi lần vận
động… Nhưng giờ đây sự lo lắng ấy không còn nữa, “tôi quá vui mừng, có trong mơ
cũng không nghĩ được, cảm ơn các bác sĩ rất nhiều!”, chị N. nói! Cùng một căn
bệnh ấy nhưng tâm trạng còn đau khổ hơn nhiều là của cô bé L.T.K.T., 14 tuổi
(Quảng Ngãi), em chỉ cao 1m40, nặng 38kg nhưng vòng một của em rất lớn 2.500ml
mỗi bên (thể tích này được đo bằng cách nhúng toàn bộ bầu vú vào một bình nước
đầy, thể tích nước tràn ra chính là thể tích vú đo được), vì thế T. luôn xấu hổ
khi bạn bè trêu đùa, cô bé không dám đến trường, không dám ra khỏi nhà, lưng gù
lại vì cố tình cong người về phía trước để che bộ ngực đại, em thường xuyên
phải chống chọi với cơn đau cổ, đau gáy do sức nặng của “núi đôi”…
Nhưng sau khi được các bác sĩ phẫu thuật,
cô bé đã tự tin trở lại trường học… Quan trọng hơn, sau này khi trưởng thành em
vẫn giữ được thiên chức bình thường của người phụ nữ đó là cảm giác và khả năng
tiết sữa… Trong tình cảnh thương tâm hơn là chị L.T.L. (Quảng Nam), sau khi
sinh con, ngực chị phát triển quá khổ khiến con không thể bú mẹ được, vừa tức
sữa vừa thương con mà không biết phải làm thế nào… Vì thế, sau 9 tháng chị đã
tìm đến các bác sĩ để phẫu thuật và điều kỳ diệu đã đến, vú chị vẫn có thể tạo
sữa cho con…
Điều kỳ diệu
mang tên sự “sáng tạo”
ThS. Nguyễn Đình Minh, Khoa Phẫu thuật tạo
hình, BVĐK Xanh Pôn cho biết, phì đại vú được xác định ở những người có thể
tích vú >350ml, có hai nguyên nhân của căn bệnh này đó là khi ở tuổi dậy thì
tuyến vú phát triển quá mức so với sự phát triển của cơ thể và ở một số phụ nữ
sau sinh vú phát triển nhưng sau đó lại không phục hồi lại được. Người không
may mắc phải căn bệnh này gặp khó khăn trong vận động, chưa kể tâm lý tự ti,
mặc cảm, xấu hổ…
Theo PGS.TS. Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa
Phẫu thuật tạo hình, BVĐK Xanh Pôn, Chủ nhiệm bộ môn Phẫu thuật tạo hình,
Trường Đại học Y Hà Nội, thu gọn vú phì đại là một trong những kỹ thuật khó
nhất trong phẫu thuật tạo hình, chính vì vậy đã có hơn 200 kỹ thuật khác nhau
được đề xuất nhằm giải đáp một câu hỏi làm thế nào vừa giữ được hình thể của
bầu vú mà vẫn giữ được chức năng cảm giác và bài tiết sữa thông qua quầng núm
vú. Các kỹ thuật thu gọn vú phổ biến hiện nay rất thành công cho những trường
hợp phì đại vừa và trung bình, nhưng thất bại đối với những ca phì đại lớn hay
khổng lồ, biểu hiện bằng sự hoại tử quầng núm vú hay mất cảm giác sau phẫu
thuật, không còn khả năng bài tiết sữa.
Hình ảnh sau phẫu thuật thu gọn vú.
Từ lâu, các phẫu thuật viên thế giới đều
biết rằng động mạch vú ngoài chạy đến để nuôi quầng núm vú, nhưng không một ai
trong số họ biết sử dụng động mạch này trong tạo hình thu gọn vú. Động mạch vú
ngoài là một trong những động mạch có khả năng nuôi dưỡng toàn bộ quầng núm vú,
mặt khác, động mạch này lại chạy theo hướng của các dây thần kinh chi phối cảm
giác cho toàn bộ vùng quầng núm vú.
Chủ động dùng động mạch vú ngoài nhằm bảo
tồn quầng núm vú và các vùng tuyến lân cận là phương án tối ưu cho phẫu thuật
thu gọn vú. Ý tưởng này được PGS. Trần Thiết Sơn đề xuất và đưa ra các hướng
nghiên cứu. Từ những kết quả nghiên cứu về mặt giải phẫu trên xác, các bác sĩ
đã biết được rằng, cách tốt nhất là phải định vị được đường đi của mạch máu này
trước khi phẫu thuật bằng một số kỹ thuật như siêu âm doppler, chụp mạch. Điều
này nâng tỉ lệ thành công của phẫu thuật đến mức cao nhất và đảm bảo cho kỹ thuật
an toàn tuyệt đối. Kỹ thuật này có những ưu điểm vượt trội như bệnh nhân có cảm
giác ngay sau phẫu thuật, về lâu dài với những người chưa sinh nở làm phẫu
thuật này vẫn giữ được thiên chức của người mẹ là tiết sữa cho con bú… Kỹ thuật
này đã trở thành một cứu tinh thực sự đối với những người bị tình trạng vú phì
đại khổng lồ. Cho đến nay, trên thế giới chỉ có một cách duy nhất là cắt bỏ vú
và tạo lại một bầu vú với dáng vẻ bề ngoài bình thường nhưng không còn một tí
chút nào về chức năng thông thường như cảm giác, tiết sữa…
“Kỹ thuật thu gọn vú cải tiến trong điều
trị phẫu thuật thu gọn vú phì đại” đã được giải Nhì trong Hội nghị Khoa học
sáng tạo trẻ của Thủ đô Hà Nội năm 2011. Ðây là hội nghị sáng tạo dành cho các
bác sĩ trẻ được tổ chức 2 năm một lần, với mục tiêu nhằm khuyến khích các bạn
trẻ tìm tòi, sáng tạo, ứng dụng các kỹ thuật mới trong công tác chữa trị cho
bệnh nhân. Từ đó tăng hiệu quả điều trị các bệnh lý, rút ngắn thời gian nằm
viện, giảm bớt sự đau đớn và chi phí cho người bệnh… Ðến nay, có hơn 50 bệnh
nhân được phẫu thuật thành công bằng kỹ thuật này.
Bài và ảnh:Tuệ Khanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét