15/3/11

Thiếu nữ vẹo cột sống vì ngực "khủng"


(Đất Việt) - Các y bác sĩ của khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn, không quên được cảm giác kinh ngạc khi tiếp nhận bệnh nhân H., mới 14 tuổi, ở Quảng Ngãi, có bộ ngực nặng 10,4 kg, dài đến cạp quần. Bộ ngực này khiến H. không dám đi học và làm cột sống của em biến dạng.








Khi em mới được 12 tuổi, vú bắt đầu có sự thay đổi, to hơn so với các bạn cùng trang lứa. Mẹ H. cho rằng con mình dậy thì sớm hơn những đứa trẻ khác nên không đưa đi khám. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau đó, ngực H. phát triển nhanh bất thường, hai bầu vú chảy xuống đến tận cạp quần. Nguy hiểm hơn, sức nặng của bộ ngực còn khiến vùng da bụng nơi ngực đè lên bị lở loét, hai vai nhức mỏi, cột sống biến dạng. Chính kích thước bất thường của vòng một khiến H. tự ti, xấu hổ, phải bỏ học, không bước chân ra khỏi nhà. 

Sau khi được người quen tư vấn, H. đến khoa Phẫu thuật tạo hình của Bệnh viện Xanh Pôn để phẫu thuật, trả lại hình dạng bình thường cho vòng một.

Ngực phì đại

Tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, cho biết mỗi năm, khoa phẫu thuật cho khoảng 10 - 15 phụ nữ mắc bệnh ngực phì đại.


Một bệnh nhân phì đại tuyến vú đã được phẫu thuật 
tại Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: Châu Anh.

Theo tiến sĩ Sơn, hiện tượng ngực quá to không chỉ gặp ở nữ giới mà cả nam giới cũng mắc. Trung bình mỗi năm, khoa phẫu thuật cho 4 - 5 người đàn ông mắc bệnh lý này. Trường hợp anh B., 24 tuổi, ở Hà Nội là một ví dụ điển hình. Anh B. bắt đầu cảm nhận được sự phát triển bất bình thường của vòng một khi bước vào tuổi 18. Càng ngày, ngực của anh càng to như của phụ nữ. Nhiều người còn nghi ngờ giới tính nên anh B. luôn phải sống trong cảm giác xấu hổ, đau đớn. Chỉ đến khi được phẫu thuật, trả lại hình dáng bộ ngực bình thường của nam giới, anh B. mới bớt tư ti và hòa nhập trở lại với cuộc sống.

Uống thuốc không có tác dụng

Điều nguy hiểm là nhiều bệnh nhân rỉ tai nhau về một loại thuốc uống được quảng cáo có thể làm nhỏ ngực. Tuy nhiên, đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. “Không có thuốc nào có thể làm vòng một nhỏ lại. Biện pháp duy nhất là phẫu thuật”, bác sĩ Sơn khẳng định. 

Theo bác sĩ Sơn, phẫu thuật giúp đảm bảo hình thái thẩm mỹ của vòng một (hình dạng, kích thước vú như bình thường, giữ được quầng núm vú) và chức năng của vú (bảo tồn được ống tiết sữa đối với trường hợp phẫu thuật là phụ nữ).

Hiện nay việc phẫu thuật không quá phức tạp, đa số người bệnh có thể xuất viện ngay sau mổ, chỉ có một số ít phải nằm lại bệnh viện theo dõi. Tuy nhiên, sau mổ, người bệnh cần tránh cử động mạnh, không chơi các môn thể thao dễ dẫn đến va chạm và sang chấn vùng ngực ít nhất bốn tuần. Trong sáu tháng, nên tránh nắng để vùng mổ không bị sẹo thâm đen. Nam giới bị bệnh ngực to ít có khả năng tái phát nhưng nguy cơ tái phát ở nữ giới là 5%.

“Hiện y học chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh ngực khủng (hay còn gọi là phì đại tuyến vú). Tuy nhiên yếu tố di truyền, hormone và béo phì có thể là nguyên nhân gây bệnh. Riêng đối với nam giới, thủ phạm có thể là việc sử dụng thuốc điều trị viêm loét dạ dày, tim mạch, thuốc chống lao, thuốc an thần, thuốc điều trị bệnh tâm thần”, tiến sĩ Trần Thiết Sơn nói.


Xuân Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét