BS Trần Thiết Sơn |
Infonet - Không hẹn trước, chúng tôi “xông” tới gặp PGS, TS, bác sĩ
Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Xanh Pôn tại phòng
làm việc của ông. Đã gần trưa nhưng nhân viên của khoa cho biết bác sĩ vẫn đang
bận mổ, phải nửa tiếng nữa mới xong.
Khoảng gần 12h, bác sĩ Sơn bước ra khỏi phòng mổ với bộ áo xanh quen thuộc. Trông ông giản dị, phúc hậu. “Mình vừa bận phẫu thuật cho bệnh nhân. Xin lỗi nhà báo hẹn tới khoảng 5h chiều được không. Thông cảm cho mình nhé, ngay bây giờ lại phải mổ”.
Như hẹn, chúng tôi quay lại và ngồi đợi vị bác sĩ nổi tiếng
với danh hiệu “chuyên gia tạo hình” mà nhiều đồng nghiệp yêu mến gọi ông. Tới gần
18h bác sĩ Sơn mới bước ra khỏi phòng mổ. Vừa nhìn chúng tôi ông đã nở nụ cười
nhưng không quên quay lại dặn người nhà bệnh nhân vừa mổ “phải bước ngắn, đi lại
nhẹ nhàng nhé”.
Lần đầu gặp, nhìn phong thái làm việc tất tả của bác sĩ
Sơn và cộng sự tại Khoa Phẫu thuật tạo hình khiến chúng tôi thấy quả thật thấy
nghề bác sĩ chẳng sướng chút nào. Giữa trưa mà họ chưa được ăn cơm, tan sở đã
lâu mà họ chưa được về nhà.
- Bác sĩ bận quá,
lại đã muộn, chúng tôi xin hỏi luôn về ca mổ tạo dương vật mới cho bệnh nhân của
anh đã thực hiện giữa tháng 12/2012? Đây là thành công đầu tiên ở nước ta phải
không?
- Xin đừng hiểu lầm
chữ đầu tiên. Việc tạo hình dương vật các bệnh viện lớn ở nước ta đã làm từ lâu
và thành công. Ca mổ của tôi mới ở chỗ là tạo hình dương vật bằng phương pháp mới,
đó là lấy vạt da đùi của chính bệnh nhân, tạo thành dương vật.
- Việc tạo dương vật
thành công bằng phương pháp mới này, có tác dụng gì thưa bác sĩ?
- Sau nhiều thời
gian nghiên cứu, tôi thấy rằng, các phần da gần cơ quan sinh dục đều có cảm
giác tốt hơn những nơi khác. Việc dùng vạt da đùi làm thành dương vật, lấy phần
da tại chỗ làm phần che phủ đã giữ được cảm giác. Chúng tôi tạo dáng, sau đó
dùng kỹ thuật làm mỏng khiến dương vật giống thật.
Trước đây, theo phương pháp cũ khi nối dương vật, sẽ phải
dùng tới phẫu thuật vi phẫu, tức là phải dùng tới một ekip lớn, nối các mạch
máu, dây thần kinh ở dương vật. Sau đó, khoảng 9 – 12 tháng thì bộ phận này mới
dần dần có cảm giác. Phương pháp này rất tốn kém.
- Ưu điểm của
phương pháp mới bác sĩ sử dụng là gì?
- Về chi phí,
phương pháp mới này rẻ hơn vì không cần tới một ca phẫu thuật vi phẫu. Nó tốn
ít thời gian. Với bệnh nhân, sau khi tạo được dương vật mới, thời gian phục hồi
sau 2 tuần.
- Bệnh nhân nữ được
tạo dương vật để trở thành đàn ông. Để thành công, bác sĩ đã phải làm việc thế
nào?
- Đây là một bệnh
nhân lưỡng giới giả nam (nghĩa là thân hình là nữ nhưng lại không nữ hẳn và có
xu hướng thành nam giới nhiều hơn). Tôi cũng đã gặp và tạo âm đạo mới cho bệnh
nhân lưỡng giới giả nữ. Với hai người này, đều phải mất thời gian tiếp xúc, làm
tâm lý với họ.
Ví như với bệnh nhân lưỡng giới giả nam mà tôi vừa tạo
dương vật bằng phương pháp mới đó thì từ nhỏ họ đã là con gái. Để chọn giới
tính lại, họ phải xác định sống một cuộc sống không giống như họ đã sống. Họ phải
đối mặt với mọi khó khăn có thể đến với người đàn ông. Tôi đã mất 4 năm vừa
thăm dò, vừa thuyết phục và làm các xét nghiệm khác để bệnh nhân tự tin quyết định
muốn làm con trai.
Tương tự bệnh nhân lưỡng giới giả nữ cũng vậy. Vì từ bé họ
là đàn ông, nay muốn thành phụ nữ thì chắc chắn cuộc sống sẽ có nhiều thay đổi.
Việc tạo âm đạo không khó đối với bác sĩ nhưng sẽ khó với chính bệnh nhân nếu họ
không chuẩn bị sẵn tâm lý rằng sẽ sống cuộc đời con gái cho tới cuối đời, sẽ phải
đối mặt với những rủi ro trong cuộc sống gia đình… Mình nghĩ thì đơn giản vậy
nhưng với họ, khó khăn lắm.
- Phẫu thuật thành
công cho bệnh nhân, anh cảm thấy thế nào?
- Công việc chính
của mình là giúp cho bệnh nhân, dùng kỹ
thuật để đem lại hiệu quả cao nhất cho người bệnh. Ca phẫu thuật không thất bại
là mình vui rồi. Lần này, mình vui vì kỹ thuật cải tiến thành công, mình giúp
được cho bệnh nhân.
Với bệnh nhân mình vừa phẫu thuật, anh ấy có một niềm hy
vọng lớn, đã lâu năm. Vì thế, bệnh nhân mãn nguyện mình vui lắm. Sau ca phẫu
thuật, bệnh nhân nói xin được ôm bác sĩ một cái, mình rất xúc động. Mẹ cậu ấy
thì rơm rớm nước mắt “cảm ơn anh đã sinh ra cháu lần nữa”.
Bác sĩ Sơn trầm ngâm nói tới người mẹ của bệnh nhân. Ông
kể, gia đình họ đã phải trải qua sóng gió lắm mới đi tới kết quả cuối cùng: chấp
nhận cậu con trai từ cô con gái. Với ông, mấy chục năm trong nghề, mỗi bệnh
nhân đều để lại những kỷ niệm.
Bác sĩ Sơn nói, sắp tới sẽ chia sẻ phương pháp tạo hình mới
của mình với các đồng nghiệp khác. Ông hy vọng sẽ còn làm được nhiều điều tốt
cho bệnh nhân. “Mình làm nghề này vì mình thích. Nhiều bệnh nhân nghèo lắm, bác
sĩ phải bỏ tiền ra giúp vì họ quá nghèo. Người ta đi hết nơi này tới nơi kia,
mà không làm được, hoặc giả có nơi làm được thì không giúp họ. Khi họ tìm tới
mình, họ đặt cả hy vọng rồi. Bác sĩ sẽ làm hết mọi khả năng để giúp người bệnh”
- bác sĩ Sơn tâm sự.
PHƯƠNG MAI
Theo Infonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét