14/12/16

Bốn tuần lễ bên các bác sĩ phẫu thuật tạo hình, những họa sĩ làm đẹp cho đời - chia sẻ của một sinh viên Mỹ về Việt Nam

Công việc mà bác sĩ tạo hình thực hiện cũng giống như việc làm của người họa sĩ khi vẽ lên bức tranh quý. Mọi con mắt đổ dồn về họ, đèn tỏa sáng rực rỡ, dao mổ là cây cọ, người bệnh là tấm vải vẽ tranh. Tôi đã trực tiếp chứng kiến công việc của những bác sĩ này và tôi có thể nói với các bạn rằng đặt chân vào phòng mổ cũng giống như đi vào phòng triển lãm nghệ thuật. Một số ca bệnh đã khiến tôi rơi nước mắt vì tác phẩm được hoàn thành quá đẹp, cảm giác tương tự như khi bạn bước chân vào bảo tàng Louvre và ngắm nhìn nàng Mona Lisa. 




Tâm sự của anh Brandon Gebford, sinh viên y khoa tại Đại học Nevada, Las Vegas (Mỹ) sau 4 tuần thực tập tại Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn.

Bốn tuần lễ cuối cùng của tôi ở Hà Nội, làm việc tại Bệnh viện Xanh Pôn, chính là giấc mơ đã trở thành hiện thực! Từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng, tôi đã trực tiếp trải nghiệm và hiểu cảm giác của một bác sĩ nội trú ngành phẫu thuật tạo hình. Khi ai đó hỏi tôi “Bran, cậu muốn chọn chuyên ngành gì?”, và tôi nói tôi muốn chọn ngành phẫu thuật tạo hình, bạn có biết lời đầu tiên họ thốt ra là gì không? "Ôi cậu muốn kiếm thật nhiều tiền và làm việc với đôi gò bồng đào?". Tôi cười phá lên và nói "Không, nếu thực sự thích kiếm tiền, tôi sẽ làm việc tại phố Wall hay hành nghề luật sư". Rồi tôi nói với họ rằng đó không phải tất cả những gì một bác sĩ phẫu thuật tạo hình biết làm.

Quay lại thời ở quê nhà tại Mỹ, tôi đã thực tập dưới sự chỉ dẫn của một bác sĩ phẫu thuật tạo hình và được chứng kiến một vài ca thú vị nho nhỏ. Trước khi tới Việt Nam, tôi đã có dịp tiếp xúc và hiểu những loại công việc mà một bác sĩ phẫu thuật tạo hình có thể làm. Vì vậy, các bạn có thể hình dung tôi đã hào hứng thế nào khi tới bệnh viện Xanh Pôn và khám phá những gì một bác sĩ phẫu thuật tạo hình có thể làm.

Ngày làm việc tại Bệnh viện Xanh Pôn 

Ngay ngày đầu tiên, tôi đã được chứng kiến một ca phẫu thuật thú vị và quan sát trực tiếp bác sĩ phẫu thuật tạo hình làm việc trong phòng mổ. Từ vết rạch chính xác đầu tiên bằng lưỡi dao #15 tới mũi khâu và động tác cắt chỉ hoàn hảo cuối cùng, công việc không hề vấp váp và kết quả thực sự hoàn hảo. 

Tôi đã hiểu vì sao nhiều người tìm đến khoa của Giáo sư Sơn đến vậy. Uy tín và đạo đức nghề nghiệp của vị bác sĩ này là lời giải thích rõ ràng vì sao khoa của ông chiếm vị trí số một tại Việt Nam. Điều tôi muốn nói là các bác sĩ ở đây đón nhận cả các bệnh nhân tai nạn xe máy với vết rách nhỏ trên trán. Thông thường, trong những trường hợp này bạn có thể tìm đến một bác sĩ đa khoa, nhưng bệnh nhân chọn tới khoa của giáo sư Sơn vì kết quả cuối cùng thật xứng đáng. Từ phẫu thuật thẩm mỹ chọn lọc tới phẫu thuật tạo hình các tai nạn đáng sợ như vết rách lớn ở bàn tay, bỏng ngón tay hay thậm chí là phẫu thuật nâng ngực đơn thuần, khoa của Giáo sư Sơn chính là nơi cần đến!

Anh Brandon và Giáo sư Trần Thiết Sơn, 
Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn.
Mỗi sáng đều có cuộc họp giao ban để thảo luận về các bệnh nhân trước và sau mổ. Ở đây các bác sĩ bàn luận các ca mổ lớn sẽ được thực hiện trong ngày, hoặc các trường hợp cấp cứu của đêm trước. Bạn có thể hình dung tôi đã vui mừng thế nào khi biết mình sẽ được tham gia vào toàn bộ quá trình từ thăm khám bệnh nhân, tới khâu cuối cùng là cho bệnh nhân ra viện. Sau khi kết thúc cuộc họp giao ban, chúng tôi thường đợi ở phòng cấp cứu để đón các bệnh nhân đến khám lại hoặc các trường hợp cấp cứu mới.

Một ngày làm việc điển hình ở đây bao gồm các bệnh nhân đến khám lại, các ca cấp cứu và các ca mổ đã được xếp lịch. Sau giờ làm việc, tôi dành thời gian cho các bác sĩ và y tá hay bất kỳ ai muốn thực hành tiến Anh, tôi thật sự vui được giúp họ. Bạn sẽ thấy họ hạnh phúc nhường nào khi học tiếng Anh. Tôi đã nói với họ rằng kể cả khi tôi đã về nước, chúng tôi vẫn có thể tiếp tục thực hành tiếng Anh qua các cuộc gọi video trên Facebook. Tôi sẵn sàng dành thời gian của mình cho họ, như cách họ đã dành thời gian cho tôi. Tôi có thể tự tin nói rằng vốn từ vựng, ngữ pháp và phát âm tiếng Anh của họ đã được cải thiện nhiều tại thời điểm tôi rời nơi này. 


Các bác sĩ tại Bệnh viện Xanh Pôn luôn nhiệt tình giải đáp các câu hỏi của tôi (những người biết tôi sẽ hiểu rằng tôi đặt rất nhiều câu hỏi) và các bác sĩ ở đây đã cho tôi những bài học tuyệt vời nhất mà tôi có thể chờ đợi. Họ hướng dẫn tôi qua suốt hành trình của ca mổ, chỉ cho tôi các con đường giải phẫu và thảo luận về kỹ thuật được sử dụng cũng như lý do sử dụng kỹ thuật đó. 

Công việc mà bác sĩ tạo hình thực hiện cũng giống như việc làm của người họa sĩ khi vẽ lên bức tranh quý. Mọi con mắt đổ dồn về họ, đèn tỏa sáng rực rỡ, dao mổ là cây cọ, người bệnh là tấm vải vẽ tranh. Tôi đã trực tiếp chứng kiến công việc của những bác sĩ này và tôi có thể nói với các bạn rằng đặt chân vào phòng mổ cũng giống như đi vào gian phòng triển lãm nghệ thuật. Vài ca bệnh đã khiến tôi rơi nước mắt vì tác phẩm được hoàn thành quá đẹp, cảm giác tương tự như khi bạn bước chân vào bảo tàng Louvre và ngắm nhìn nàng Mona Lisa.

Một trong những cảm xúc mạnh mẽ nhất tôi đã trải qua là lần đầu được trợ giúp khâu vết thương cho một bệnh nhân. Thật kỳ lạ tay tôi không hề run, cũng chẳng có cảm giác sợ sệt. Có lẽ là do tôi đã chờ đợi giây phút này quá nhiều năm rồi khiến cảm xúc này trở thành tự nhiên. Và thế là tôi hít vào thật sâu, đâm mũi kim vuông góc 90 độ và rút kim ra ở mép bên kia, thực hiện một mỗi khâu đơn giản. Cảm giác của tôi lúc đó, với gạc trong tay trái để thấm máu, thật kỳ diệu. So với nó thì cảm xúc mà tôi từng có, khi biết mình đã góp phần xoa dịu nỗi đau của ai đó, thực sự quá bé nhỏ. Tại Mỹ chỉ sau này, trong quá trình học tập, tôi mới có thể có được những kinh nghiệm tương tự. Vì vậy đây thực sự là một ưu ái lớn và tôi rất biết ơn các bác sĩ ở đây.  Không chỉ cho tôi kiến thức, họ còn dạy tôi rất nhiều bài học thực hành, chẳng hạn như cách làm sạch vết thương, rút chỉ, chăm sóc vết thương sau mổ, khám bệnh nhân cấp cứu và quan sát các ca mổ.

Vẽ tiếp những ước mơ 

Một vài ca mổ ấn tượng nhất mà tôi được quan sát là tạo hình bàn tay và ngón tay sử dụng vạt da, tạo thành âm đạo từ niêm mạc môi, giãn tổ chức ở trán và phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình thành bụng. Trong buổi làm việc cuối cùng, tôi cùng giáo sư Sơn và vài bác sĩ khác khám cho các nạn nhân bỏng. Các bác sĩ ở đây làm rất nhiều công tác từ thiện cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đó chính là công việc tôi muốn tham gia khi hoàn thành quá trình học tập. Tôi muốn làm việc cùng tổ chức Bác sĩ Không biên giới và giúp đỡ các bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh và nạn nhân của bỏng. 

Một trong những thời điểm tôi yêu thích nhất là lúc kết thúc ca mổ, khi mũi khâu cuối cùng được hoàn thành, vết thương được làm sạch và băng kín. Chúng tôi chuyển người bệnh sang giường cáng để trả họ về phòng bệnh, tôi sẽ nói “Nghe tôi đếm này, mot, hai, ba!” (các chữ một hai ba tôi nói bằng tiếng Việt).  Nhờ được tiếp xúc với người bệnh trong suốt quá trình điều trị từ đầu đến cuối, tôi đã trở nên gắn bó với họ. Cảm xúc này mang lại cho tôi niềm hạnh phúc không ngôn từ nào lột tả nổi. Tôi thực biết ơn và vui sướng vì đã được tham gia vào công việc này!

Tại bệnh viện này tôi làm việc từ thứ hai tới thứ sáu, từ 8 giờ sáng cho tới khi không còn ca mổ phiên hay ca cấp cứu nào nữa. Tôi đã tham gia nhiều ca trực đêm và đó thực sự là phần thưởng với tôi. Mỗi lần nghe chuông kêu vào 3 giờ sáng, tôi lao ra phòng cấp cứu với cảm giác tuyệt vời được là người đầu tiên trả lời người bệnh. Thật thú vị khi chứng kiến và trải nghiệm cảm giác của một bác sĩ nội trú tỉnh dậy giữa đêm để đón nhận bệnh nhân cấp cứu. Tôi đã theo dõi 28 ca mổ, trợ mổ 14 lần, gặp gỡ, khám và chăm sóc sau mổ cho nhiều bệnh nhân. Trong buổi khám cuối cùng với Giáo sư Sơn, chúng tôi đã khám 12 bệnh nhân là nạn nhân bỏng. Tôi ước gì mình có thể có thêm thời gian làm việc này.


Trước khi tới Việt Nam, tôi đã chắc chắn 99,9% rằng bác sĩ là nghề của tôi và phẫu thuật tạo hình là nghành tôi mơ ước. Sau khi rời Việt Nam, tôi đã tìm được nốt 0,1% niềm tin để chắc chắn rằng y học phù hợp với tôi và phẫu thuật tạo hình là giấc mơ tôi sẽ theo đuổi. Tôi hình dung mình có phòng khám hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ, làm công việc từ thiện tại một bệnh viện công và cùng tổ chức Bác sĩ Không biên giới đi tới các nước thuộc Thế giới thứ ba và các nước đang phát triển. 

Những ca bệnh được chứng kiến tại Bệnh viện Xanh Pôn thực sự khiến tôi rất xúc động. Theo dõi công việc các phẫu thuật viên ở đây thực hiện là phần thưởng lớn với tôi. Tôi đã cảm nhận rõ niềm đam mê của họ, niềm đam mê mà tôi muốn có. Họ có tình thương rất lớn đối với bệnh nhân. Ở đây, ai cũng lo cho bệnh nhân và sức khỏe của người bệnh. Với tôi, được tham gia vào quá trình giúp người bệnh hồi phục mà không phải lo lắng đến tiền bạc, chỉ tập trung vào người bệnh, cũng giống như được hít đầy lồng ngực thứ không khí trong lành. Tôi rất biết ơn trải nghiệm này vì nó đã mở ra cánh cửa cho tương lai của tôi. Tôi hy vọng sẽ sớm được trở lại nơi đây. Tạm biệt Việt Nam!


Brandon Gebford

Xem nguyên bản tiếng Anh tại ĐÂY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét