18/7/17

Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của thế kỷ 21

Đôi khi, bác sĩ phẫu thuật có thể tập trung vào thành công tuyệt vời của việc tạo hình mà quên mất những thảm họa họ đã gây ra cho người bệnh ở nơi cho chất liệu tạo hình (da ghép, vạt ...).  Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hiện đại cần một tiêu chí nhân văn: song song với tái tạo tạo hoàn chỉnh một cơ quan, vẫn phải bảo tồn và không tàn phá nơi cho chất liệu tạo hình.




Phẫu thuật tạo hình là chuyên ngành có tính đặc thù cao, với nhiệm vụ mang lại sự hoàn thiện cả về chức năng và thẩm mỹ cho các cơ quan bên ngoài bị tổn thương. Ở mọi thời đại, kỹ thuật tạo hình đòi hỏi sự tinh tế cao độ của phẫu thuật viên nhằm bảo đảm sự toàn vẹn cho bệnh nhân.

Kỹ thuật vi phẫu đã mang lại một bộ mặt mới cho phẫu thuật tạo hình nhờ sự linh hoạt của chất liệu tạo hình tự thân cũng như khả năng áp dụng cho mọi vùng của cơ thể. Tuy nhiên kỹ thuật này thường để lại những tổn thương khó chấp nhận đối với bệnh nhân ở nơi cho chất liệu tạo hình (da ghép, vạt tại chỗ, vạt vi phẫu...).  Đôi khi những tổn thương này có thể trở thành thảm hoạ về tâm lý với người bệnh, ngay cả khi nơi tạo hình cho kết quả tuyệt vời. Và không phải lúc nào bác sĩ phẫu thuật cũng đủ tinh tế để nhận ra những khổ đau mà người bệnh phải gánh chịu từ các di chứng do phẫu thuật tạo hình gây ra.

Tái tạo sẹo bỏng cổ bằng ba kỹ thuật tạo hình tiên tiến

Kỹ thuật giãn da giúp giải quyết bài toán khó nói ở trên, bảo đảm không làm tổn thương nơi cho vạt, nhưng lại đi kèm nhược điểm là khó sử dụng cho các vạt tự do.

Để khắc phục nhược điểm này, chúng tôi đã kết hợp 3 kỹ thuật tiên tiến nhất là giãn davạt đùi trước ngoài tự do và làm mỏng vạt cho một bệnh nhân nữ bị sẹo co kéo vùng cổ do bỏng cồn.

- Giãn da tại vùng cho vạt đùi trước ngoài cho phép sử dụng vạt lớn hơn với kích thước 22x14cm và có thể đóng trực tiếp nơi cho vạt.

- Kết hợp việc làm mỏng vạt tới 4mm cho phép tái tạo được độ cong của cổ mà các vạt khác khó có thể đạt được về mặt thẩm mỹ.

Bệnh nhân nữ 25 tuổi bị bỏng xăng cách đây 5 năm. Sẹo bỏng gây biến dạng vùng cổ mặt và thân. Sẹo bỏng cổ gây biến dạng và co kéo vùng cổ hạn chế vận động vùng cổ. 


Hình ảnh tổn thương bỏng trước phẫu thuật. 

Bệnh nhân được đặt túi giãn da vùng đùi. Kỹ thuật này cho phép tái tạo một lượng lớn da tự thân, dùng để che phủ vùng đùi, nơi sẽ lấy vạt đùi trước ngoài để tái tạo cổ. Đây là một kỹ thuật khó, ít có trung tâm nào tại Việt Nam thực hiện thành công. 


Bệnh nhân được đặt túi giãn da vùng đùi. 

Các bác sĩ đã dùng một vạt da ở đùi trước ngoài có kèm theo mạch máu với diện tích lớn (12x24cm) để tái tạo vùng cổ, sau khi cắt bỏ toàn bộ sẹo cổ. 

Vạt da này được chuyển lên cổ và các mạch máu được tái lập nhờ kỹ thuật vi phẫu mạch máu thực hiện dưới kính hiển vi. Kỹ thuật này khó, đòi hỏi kỹ thuật viên phải thành thạo việc nối các mạch máu nhỏ khoảng 1mm dưới kính hiển vi. 

Vạt da dùng để tái tạo vùng cổ. 
Trước khi chuyển mảnh da lên cổ, vạt da được làm mỏng gấp 4 lần nhờ việc loại bổ lớp mỡ dưới vạt da. Đây là kỹ thuật tiên tiến nhất trong phẫu thuật tạo hình, đảm bảo tính thẩm mỹ sau khi tạo hình, tránh được hiện tượng vạt da dầy cản trở vận động của cổ. 


Điều đặc biệt quan trọng ở bệnh nhân này là nhờ được giãn da trước đó nên tại nơi cho vạt da các bác sĩ không phải thực hiện ghép da, tránh được sự tàn phá nặng nề cấu trúc giải phẫu bình thường mà kỹ thuật này gây ra. 


Vùng đùi của bệnh nhân được che phủ bằng một lượng lớn da tự thân,
thu được nhờ đặt túi giãn da. 

Nhờ kết hợp 3 kỹ thuật tiên tiến mà cả vùng cổ và vùng đùi của bệnh nhân được bảo tồn tối đa. Đây là một xu hướng mới của phẫu thuật tạo hình hiện đại, giúp tái tạo cơ quan bị tổn thương nhưng không tàn phá bộ phận cho vạt. 

Bệnh nhân đã ra viện sau 10 ngày điều trị.


Hình ảnh sau phẫu thuật. 
Video: 


Thông điệp của Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ thế kỷ 21 

Sử dụng vạt đùi trước ngoài được giãn không phải là điều mới trên thế giới, nhưng việc làm mỏng vạt đùi trước ngoài được giãn có kích thước lớn thực sự đã tạo nên những điều kỳ diệu. Mẹ của nữ bệnh nhân này đã khóc khi nhìn thấy trên đùi của con không có dấu vết của mảnh da ghép. Bà không thể tin là con gái sẽ không phải suốt đời mang trên mình dấu ấn khủng khiếp mà phẫu thuật có thể để lại. 

Niềm vui bình dị của người mẹ được đắp bồi bởi rất nhiều tâm huyết và sức lực mà những người thầy thuốc đã hiến dâng. 

Và để những niềm vui giản dị đó ngày càng được đong đầy, "Ý thức được nỗi đau của người bệnh do người thầy thuốc gây ra" chính là điều các thầy thuốc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của thế kỷ 21 cần hướng tới. 





BS Trần Thiết Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét