9/1/08

Hỏng cả bụng vì hút mỡ

(VnExpress) - Một thời gian sau khi hút mỡ, bà Vân (48 tuổi, Thanh Hóa) kinh hoàng nhận thấy da vùng bụng đã trở nên cứng như tấm phản. Các bác sĩ cho biết sẽ không bao giờ bụng của bà trở lại mềm mại như xưa.











Để làm gọn vòng 2 đã sổ ra do tuổi tác và nhiều lần sinh nở, bà Vân đến một thẩm mỹ viện ở Thanh Hóa để hút mỡ. Sau đó, vùng bụng cứ cứng dần. Gần 6 tháng sau, bà đến một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ ở Hà Nội để khám và được biết đó là hậu quả của việc hút mỡ không đúng kỹ thuật.

Tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, cho biết tình trạng thành bụng trở nên cứng đờ sau thủ thuật hút mỡ như bà Vân không phải hiếm. Nguyên nhân thường là do hút mỡ quá nông, ở lớp gần sát da, dẫn đến chảy máu và xơ dính. Bệnh nhân sẽ phải massage và vật lý trị liệu trong 2-3 năm thì thành bụng mới mềm dần, nhưng không thể được như trước đây.

Còn chị Lâm (37 tuổi, Hải Phòng) sau khi hút mỡ tại một cơ sở thẩm mỹ ở Hà Nội thấy vùng bụng của mình trở nên sần sùi, chỗ lồi chỗ lõm, có nhiều đường rãnh như ruộng cày. Nhân viên mỹ viện giải thích rằng đó là hiện tượng bình thường sau khi làm thủ thuật, sẽ hết khi đã lành hẳn. Nhưng nhiều tháng sau, tình trạng không có gì biến đổi.

Đến một trung tâm thẩm mỹ uy tín, Lâm mới biết mình đã gặp phải bác sĩ kém tay nghề, làm không đều tay, khiến chỗ thì được hút mỡ quá nhiều, chỗ lại quá ít. Để sửa chữa, chỉ có cách hút lại.

Hút mỡ là một kỹ thuật hợp pháp ở Việt Nam nhiều năm nay, giúp làm gọn nhiều vùng cơ thể như bụng, hông, đùi, cánh tay, cằm... Theo tiến sĩ Sơn, việc hút mỡ vùng bụng còn có tác dụng tốt với sức khỏe, làm giảm lượng mỡ trong máu; nhiều nghiên cứu cho thấy việc giảm mỡ bụng giúp ổn định đường huyết.

Tuy nhiên, đây cũng là kỹ thuật tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến. Ngoài tình trạng cứng bụng, da lồi lõm, những người hút mỡ còn có thể bị thâm da do xuất huyết, da chỗ cứng chỗ mềm. Nghiêm trọng hơn, nếu bác sĩ hút không đúng vị trí làm tổn thương tĩnh mạch, các tế bào mỡ sẽ bị hút vào mạch máu, gây tắc nghẽn, có thể dẫn đến tử vong do nhồi máu tim, não.

Các nguy cơ khác cũng có thể xảy ra như chảy máu nhiều, tụ dịch, nhiễm trùng, tổn thương thần kinh... Do đó, những người muốn hút mỡ nên đến các cơ sở có bác sĩ chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ. Cần tìm hiểu kỹ để biết chắc nơi mình muốn đến đã được cấp phép làm các thủ thuật thẩm mỹ gây chảy máu.

Chỉ nên đi hút mỡ nếu lượng mỡ thừa quá nhiều. Trước đó, bệnh nhân cũng cần khám sức khỏe tổng quát để loại trừ các chống chỉ định như bệnh tim mạch, tiểu đường và nhiều bệnh lý khác.

Sau khi gây tê, các bác sĩ sẽ trổ một số lỗ nhỏ ở vùng bụng dưới, bẹn và đưa ống hút vào. Đầu ống có gắn lưỡi dao để cắt, bào các lớp mỡ trước khi hút ra. Do thủ thuật này gây mất máu nên mỗi lần chỉ được hút tối đa 2-3 lít (lượng hút bao nhiêu phải do bác sĩ quyết định tùy từng bệnh nhân). Với thủ thuật hút ướt (tức bơm dịch vào để dễ làm, giảm nguy cơ chảy máu và tổn thương mạch), giới hạn là 6-8 lít.

Sau thủ thuật, bệnh nhân cần mặc quần gen trong 2 tuần. Sau 1 tháng, cơ thể sẽ hồi phục bình thường.

Hải Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét