5/9/08

Đã có một số ca chuyển đổi giới tính


(Sài Gòn tiếp thị ) - Từ khi có nghị định 88/2008/NĐ-CP, khoa phẫu thuật tạo hình bệnh viện Saint-Paul, Hà Nội đã thực hiện 5 – 6 ca chuyển đổi giới tính cho người mắc bệnh thực sự.








Nghị định trên cho phép những người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác được phép chuyển đổi. Cơ hội lấy lại đúng giới tính của mình được mở ra đối với những người không may mắn.


Ca phẫu thuật bệnh nhân Trần Thị B. 

Được trở về với chính mình

Nhìn bề ngoài, L.T.H. hoàn toàn như một phụ nữ bình thường. Năm nay đã 25 tuổi, H. chẳng dám tơ tưởng đến ai vì mỗi lần đến tháng là cứ trơ trơ ra. Tại khoa phẫu thuật tạo hình bệnh viện Saint – Paul, Hà Nội, bác sĩ kết luận H. có tử cung, buồng trứng, nhưng âm đạo lại tịt và không có kinh nguyệt được. Họ đã tạo hình lại cho âm đạo bằng hai vạt da bẹn được chuyển lên thành ống âm đạo.

Tiến sĩ Trần Thiết Sơn, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình, người trực tiếp phẫu thuật lại cho H. giải thích: “Những trường hợp như H. đến kiểm tra và mong muốn được phẫu thuật ngày càng đông. Đặc biệt là từ khi Chính phủ có nghị định cho phép những trường hợp có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác được phép chuyển đổi. Đối với trường hợp của H., thực hiện một kỹ thuật đơn giản nhưng đã mang lại tự tin cho người bệnh. Điều may mắn là H. vẫn có tử cung và buồng trứng để có thể có con nhờ các phương pháp thụ tinh.

Trường hợp của N.N.T. lại khác. Hình dáng bên ngoài thì chính xác là nam. Đến tuổi trưởng thành, T. vẫn lấy vợ. Được sự động viên của gia đình, T. đã đi khám và bất ngờ phát hiện mình là “chị”. Theo nguyện vọng của T., các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính vì bây giờ đã quá muộn để đưa T. về đúng giới tính. T. biết rằng nếu có chuyển đổi giới tính, “anh” cũng không thể có con được vì bên trong vẫn có đầy đủ tử cung, buồng trứng và mang nhiễm sắc thể 46XX.

Nhiều kiểu lưỡng giới

Mới đây, các bác sĩ của khoa phẫu thuật tạo hình âm đạo thành công cho Trần Thị B. (36 tuổi, ở Lý Nhân, Hà Nam). B. không có tử cung, không buồng trứng, không có âm đạo (chỉ có hình âm đạo bên ngoài, không có khoang bên trong), bộ phận sinh dục “kết hợp” nam và nữ, chỗ tiểu có hình thù của dương vật, hai tinh hoàn nằm ở háng (đã bị xơ hoá)… B. lại có thêm một đoạn “cái ấy” của đàn ông. Các bác sĩ tạo hình âm đạo bằng cách lấy da từ cánh tay và tạo hình âm đạo.

Theo TS Sơn, có nhiều kiểu lưỡng giới như lưỡng giới nam (giả nam – nghĩa là biểu hiện bên ngoài là nữ nhưng có hai bộ phận sinh dục cả nữ và nam đều không hoàn thiện). Hoặc có những trường hợp cơ quan sinh dục nữ phát triển không hoàn thiện (nhi hoá tử cung): có vú, âm đạo, tử cung, buồng trứng nhưng không có ngực… Đối với những trường hợp cụ thể, sau khi tiến hành xét nghiệm về gen, nhiễm sắc thể… các bác sĩ mới quyết định hướng chuyển đổi.

Tuy nhiên, về việc chuyển đổi giới tính ở người bình thường, TS Sơn cho biết: “Đó là việc không nên làm bởi nó ảnh hưởng đến tâm sinh lý, tuổi thọ. Phẫu thuật chuyển đổi chỉ là một khâu nhỏ trong cả quá trình chuyển đổi. Hậu quả sau này mới là khó lường. Chuyển đổi giới tính chỉ nên thực hiện với người có bệnh lý”.


Gia Minh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét