29/9/08

Mũi đẹp - khó mà dễ


(ANTĐ) - Một chiếc mũi dọc dừa, cao ráo trên một gương mặt á Đông, đó là mơ ước của bất kỳ cô gái Việt Nam nào. Với những kỹ thuật tạo hình kinh điển và hiện đại, mơ ước đó không còn ngoài tầm với.






Những chiếc mũi dị tật

Thoạt đầu, kỹ thuật tạo hình mũi được dành để “ưu tiên” cho những trường hợp thiếu mũi vì nhiều lý do, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và các chức năng sống. Tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, dị tật bẩm sinh, di chứng bỏng, một số căn bệnh để lại di chứng vùng mặt, ung thư… đều có thể khiến một người bị “mất mũi” hoàn toàn. Và lúc này, vấn đề tạo hình mũi được đặt ra một cách hết sức cấp bách. 

Theo TS Trần Thiết Sơn (Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội), có rất nhiều biểu hiện biến dạng mũi, từ đơn giản như mất đầu mũi, mất một phần cánh mũi đến phức tạp hơn như mất toàn bộ sống mũi và đầu mũi. “Có nhiều trường hợp toàn bộ mũi được thay thế bằng hai lỗ hổng to nằm ngay giữa khuôn mặt của bệnh nhân” - TS Sơn nói. Và điều này gây nên những rối loạn tâm lý trầm trọng cho người bệnh mà trước hết là sự mặc cảm, tự ti về vẻ bên ngoài của mình, gây trắc trở cho khả năng hòa nhập cộng đồng, giao tiếp. Đã có nhiều người chỉ vì mặc cảm, tuyệt vọng và bi quan mà đã tìm đến cái chết để giải thoát.

Với những trường hợp trên, kỹ thuật tái tạo mũi là cách lựa chọn tốt nhất. Đây là một kỹ thuật cổ điển, được áp dụng trên thế giới đã hàng trăm năm nay, và đang dần được hoàn thiện. Chỉ cần đáp ứng được 2 yêu cầu quan trọng sau đây là có thể tiến hành được kỹ thuật này: Có đủ da và niêm mạc để che phủ toàn bộ mũi; có phần xương và sụn chống đỡ cho sống cũng như cánh mũi. Thường thì các bác sỹ lấy vạt da ở vùng trán hay má để làm “nguyên liệu chính” tạo lại đầu mũi, sống mũi và lỗ mũi, với yêu cầu sao cho ngoài đáp ứng về hình thức còn phải đảm bảo mũi “hoạt động” được một cách bình thường.

Thông thường thì với một chiếc mũi “khiếm khuyết” như thế, bệnh nhân phải trải qua 2-4 lần phẫu thuật để có thể có được một chiếc mũi gần như bình thường. “Đầu tiên, phẫu thuật viên chuyển một phần da trán hay má đến vùng mũi để tạo hình dáng mũi, sao cho “mũi mới” có thể sống độc lập trên nền của mũi cũ. Các bước tiếp theo nhằm mục đích ghép sụn cho vùng cánh và sống mũi, sửa chữa những nơi chưa cân đối. Trong một số trường hợp đặc biệt, các phẫu thuật viên có thể lấy da vùng cẳng tay để dựng lại toàn bộ một chiếc mũi, sau đó chuyển chiếc mũi mới đến vùng mặt cùng với việc tái tạo tuần hoàn cho chiếc mũi này bằng kỹ thuật vi phẫu” - TS Sơn cho biết.

Những chiếc mũi xấu

Mũi tẹt, mũi to… chiếm đa số trên khuôn mặt người á Đông. Vì thế, nhu cầu làm tăng chiều cao của mũi, thu nhỏ đầu mũi, đặc biệt là của chị em đang ngày một gia tăng. Phẫu thuật đơn giản nhất hiện đang được áp dụng, đó là nâng sống mũi.

Loại phẫu thuật này có thể tiến hành bằng cách gây tê tại chỗ hay gây mê toàn thân tùy vào chất liệu độn ở mũi. Chất liệu tự thân (xương sọ, xương mào chậu, sụn sườn, xương cẳng tay…) được các nước như Pháp, Anh, Mỹ… lựa chọn. Đó là các chất liệu khá hòa hợp với tổ chức ở nơi ghép, nhưng lại dễ bị tiêu hủy khiến mục đích đạt được thường không hoàn hảo. Các chất liệu nhân tạo như silicon được giới tạo hình châu á khá ưa chuộng, bởi khả năng tạo khuôn hình mũi dễ dàng. Gần đây một loại chất liệu tự nhiên là san hô bắt đầu được áp dụng để nâng sống mũi nhờ những ưu điểm vượt trội hơn các chất liệu độn khác như khả năng liền cao, tỷ lệ nhiễm trùng thấp, khả năng tạo dáng mũi dễ dàng...

Theo TS Sơn, tạo hình mũi bằng các chất liệu độn đều có thể xuất hiện biến chứng nhiễm trùng hay đào thải, tuy nhiên tỷ lệ này khá thấp nếu được tiến hành trong điều kiện tiêu chuẩn. Những biểu hiện của bệnh lý xoang hay nhức đầu đều không có liên quan tới loại phẫu thuật này.


Kim Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét