13/9/09

Thị Quạ đổi nghề


Thị sinh ra trong một gia đình mà thị coi là nghèo. Hồi bé, thấy bà ngoại đếm hết cọc tiền 10 nghìn này đến cọc 20 nghìn khác, thị thỏ thẻ bảo rằng nhà bà giầu thế, nhà cháu nghèo hơn nhà bà, vì mẹ cháu chỉ toàn đếm tiền lẻ thôi. Thế nên đến lớn thị chẳng biết đến tiêu tiền. 










Quần áo ngoài thứ mẹ thị mua cho, thị chẳng chê những thứ mà các anh chị trong ngoài gia đình để lại. Thứ mà thị thích nhất vẫn là váy. Khổ nỗi từ bé đến lớn chẳng lúc nào thị mây mẩy như đứa khác. Chân tay khẳng khiu đã đành, vừa nói nhiều vừa nghịch ngợm nên chẳng béo được lúc nào. Cách tuần thị đứng lên cân để kiểm tra sự lớn của mình, đứng còn nhiều hơn cha thị, người lúc nào cũng mong mỏi giảm cân. 



Váy là hợp nhất với thị vì nó dễ dàng kéo lên và hạ xuống bất cứ hoàn cảnh nào. Thị toàn chọn váy mầu hồng và mầu đỏ, thị ý thức được những mầu này hợp phong thuỷ, bảo vệ sức khoẻ, mà còn lôi cuốn sự chú ý của người khác. Thị biết chọn loại váy nào đi đâu, mầu sắc và kiểu cách, có lẽ thị thừa hưởng gu thẩm mỹ của cụ mẹ thị, người có hơn hai ngăn tủ các loại váy và áo sống. Trước mỗi buổi đi chơi, tính thị dơn giản, có thể chọn ngay không cần suy nghĩ cái váy thị thích trong cả đống quần áo.

Nhưng cho đến lớn thị cũng vô tư như đứa trẻ cấp một, nghĩa là mặc váy vẫn thản nhiên như mặc quần. Nhắc nhở chỗ đông người e thị tự ái, nói nhỏ mà bảo người lịch sự ngồi phải khép chân vào, thị thể hiện sự lịch sự trong 5 phút rồi đâu lại vào đấy. 



Đến lúc đi học xa nhà, thị nhiễm ngay cái thói của dân thành thị. Mỗi lần mẹ thị gọi bằng tên tục, thị buốn rầu và nhắc nhở mẹ thị không được như vậy. Các bạn ở trường không ai gọi tên tục bao giờ. Nghiêm nét mặt mà cố lấy sự nghiêm trang, thị thỏa thuận là ở nhà mẹ gọi thế nào cũng được, nhưng cứ có bất cứ một bạn của con ở bên cạnh, đề nghị mẹ không gọi là…Chiều lòng thị, mẹ thì thì buồn cười vì mới nứt mắt đã học được nhiều thói lạ. 

Cụ cha thị tức quá, có lúc đòi được thị hôn mỗi khi ở chỗ đông người để thử kết quả tiếp thu sự lịch sự của thị, thị chẳng nói chẳng rằng lỉnh đi một chỗ, ra điều đây không phải là chỗ để thể hiện tình cảm, vậy là cha thị phải chịu thua. 

Nhưng về đến nhà, đó là lúc thị thể hiện tình cảm với mọi người trong nhà một cách tràn trề. Đầu tiên thị vít cổ cụ cha, hôn một lúc hơn mười cái để bù lại lúc lẩn trốn. Sau đó thị thỏ thẻ thơm cụ mẹ đúng bằng từng đó. 


Riêng với bà chị, thị ôm vào lòng mà không chịu hôn. Với thị, bà chị chỉ là đưa bé con mà thị sẵn sàng ôm ấp hay đuổi đánh quanh nhà. Lúc lên cơn, thị lăn xả vào đánh bà chị vì những lý do ngớ ngẩn. Thoắt một cái, thị quay lại dỗ dành bà chị như một cụ mẹ, một lúc sau thị lại trở thành một đứa bé sơ sinh, hai tay co co trước ngực mà oe oe làm bộ. Bà chị thương tình mà bỏ qua hết cái tính đồng bóng của thị.




Lúc bé thị thích làm y tá, nói nhiều làm ít, mà nhàn, hợp với tính thị thích nói nhiều, nghịch nhiều, học ít. Cả nhà vật lộn với thị từ chuyện ăn đến chuyện học. Không dễ ăn mà cũng không khó tính, nhưng việc ăn làm thị khổ sở. Thị thích ngồi đọc sách hay nhảy nhót hơn việc ăn. 

Thị thích làm con trai nhưng cũng thích được các anh lớn tuổi 'tán tỉnh'. Lần nào có anh nào trên xe buýt thả lời ong bướm, thị liền về kể ngay với bà chị hay cụ mẹ một cách hoan hỉ. Thị thích hát nhạc trữ tình, trong đó có cấc câu 'trái tim anh thuộc về em'. 



Bản năng thị đã có tính sở hữu, vậy nên cái gì của người khác thuộc về thị, thị thích hơn là ngược lại. Nhưng thị thảo hơn ai hết, rặt những thứ gì không phải của mình, ai xin thị đều cho hết. Thị phân trần rằng cái ấy người ta cần hơn mình.

Cái sự học của thị cũng chỉ tầm trung trung. Thị chẳng thiết tha việc nhận bằng khen hay coi đó là việc đương nhiên của người khác. Thị chỉ muốn học trung bình khá. Vốn tính xởi lởi, thị tin mình làm được nhiều việc. Cứ nhìn các anh chị tốt nghiệp trung học xuất sắc, đỗ trạng này đến giải quốc tế nọ, đố có ai học giỏi mãi hay sống được ở nhà. Mà thân gái học giỏi khó lấy chồng, đẻ con thì sợ dị nghị, đành thành bà cô già thì chết. 




Nghe lời cụ mẹ, thị thích học nhạc lắm. Học đánh đàn cũng không khó như nhiều người nghĩ. Cả chương trình, thị chỉ thích một vài bài mà thị cho là hợp. Chưa giao bài thị đã trả ngay được. Còn bài nào thị đã chê thì tập vài tháng cũng không qua. Mấy năm đằng đẵng, hết trường này đến cô giáo khác, thị chỉ đánh hay được vài bài. Đó là những bài tủ mà thị tin rằng khi gẩy lên, khó có anh nào chạy thoát được. Thị thấy như vậy là khá ổn cho tương lai gần của thị.

Rồi thị quyết đinh sẽ làm cô giáo dậy nhạc. Hỏi sao đổi ý kiến nhanh vậy, thì thì thào bảo làm cô giáo dậy nhạc vui lắm, nhiều học sinh, dậy cũng dễ, thu được nhiều lần tiền, chẳng vất vả gì, cứ ngồi một chỗ cũng được, các bố học sinh toàn phải đến nhà cô thôi. 




Một hồi sau, thị thích làm MC truyền hình. Học qua loa vài thứ, nếu có tí sắc lại ăn hình thì thành nổi tiếng. Mà khi hơi nổi tiếng, chỉ cần đại gia sắm cho villa ở SiPutra là thành nổi tiếng. Thị hùng hục học các thể loại liên quan đến truyền thông công chúng. Được cái thị giỏi bắt chước, từ giọng chó mèo đến điệu bộ ông già bà lão. Tự nghĩ mà thấy mình đủ tố chất, thị chểnh mảng học hơn. Sức học trung bình từ đầu cấp đến cuối cấp. Thêm giỏi sự đỗ dành người khác, nên đi đâu thị cũng được nhiều người thích thú.



Đột nhiên, thị hùng hục học tiếng Anh ngày đêm, tiếng Anh khá hẳn lên, giao tiếp như người Phùng nói tiếng Hà Nội, lưu loát khó ngờ. Một đêm cuối năm, sau một hồi vòng vo tam quốc đúng như  bản tính của thị (nào là con yêu cụ cha cụ mẹ bà chị - tóm lại cả gia đình mình, nào là con yêu ông bà, cô chú bác họ hàng nhà mình, nào là cả nước mình, yêu nhiều bằng cả trái đất này...), thị đánh bài ngửa: 'con sẽ lấy chồng Tây'!





Dr Trần Thiết Sơn

1 nhận xét: