4/7/09

May hơn khôn


Nỗi kinh hoàng đến khi tôi được giao đề thi cách đây hai tuần, lúc mà những tấm ảnh ghi lại một cánh tay biến dạng đến với tôi bằng con đường mail. Cái cảm giác đầu tiên đã choáng ngợp, lại bị bồi thêm bằng những thông tin từ chối can thiệp của đồng nghiệp, tôi lo và nghĩ mình khó có thể làm gì được tốt hơn cho anh chàng này.





HÔM qua các đồng nghiệp của tôi lại làm sỹ tử, phải qua một bài thi trong ba tiếng đồng hồ với những thói quen cố hữu và lòng tự trọng tuỳ tâm. Thấp thỏm lo âu với những kiến thức của nhà trường, rồi không biết có trả được bài một cách hoàn hảo hay không, cái đống sách vở  trong tay có giúp được gì không... Trăm nỗi lo trước thi để rồi cuối cùng cũng xong và làm bài khá thanh thản. May mà đề thi không khó.

TÔI cũng vậy, cũng làm một cậu học trò cho một lần thi của ngày hôm kia. Nhưng cảm giác sẽ phải trải qua một bài thi cực kỳ khó khăn, khó hơn bất cứ bài thi nào từ trước tới nay làm tôi sống lại thời sinh viên. Thời đó nếu không thi đỗ vào nội trú, bạn chỉ có một con đường duy nhất là vào quân y. Mà kỳ thi vào bác sỹ nội trú đã khó và gian nan, bạn bè cùng thi gườm gườm giữ kẽ, cấm cởi mở vì sợ rằng số lượng đỗ có hạn mà người thi lại đông. Cuối cùng tôi cũng may mắn nằm trong số những người nội trú. Còn kỳ thi lần này chỉ có một mình tôi là học sinh, một kỳ sát hạch cho tất cả những gì đã có. May mà không quá khôn nên cũng được gặp may.

NỖI kinh hoàng khi tôi được giao đề thi cách đây hai tuần, lúc mà những tấm ảnh ghi lại một cánh tay biến dạng đến với tôi bằng con đường mail. Cái cảm giác đầu tiên đã choáng ngợp, lại bị bồi thêm bằng những thông tin từ chối can thiệp của đồng nghiệp, tôi lo và nghĩ mình khó có thể làm gì được tốt hơn cho anh chàng này. Một thoáng tự tin nhờ kinh nghiệm lần trước phẫu thuật cho cánh tay gấu. Một chút hồ đồ và chủ quan, lời giải cho bài thi đã có ngay trong đầu, có lẽ đấy cũng là tính cách của dân phẫu thuật tạo hình, cái gì cũng tự cho là làm được mà không biết đến rủi ro. Lần này thì chấp nhận rủi ro vì cùng lắm cũng chỉ cần làm 1/4 công việc cũng đã là tốt lắm rồi. Nhận lời làm với người ta trong tâm trạng lạ. May là đã không từ chối.

CUỘC họp Bộ môn hôm thứ ba Thầy cũng chỉ hỏi dăm ba câu, sợ nhưng không dám bàn luận nhiều. Vì biết Thầy chẳng ưa gì mấy cái món liên quan đến media như thế này. Cũng tự tin trả lời Thầy, nhưng ánh mắt Ông cụ thì dường như nhắc tôi là không chủ quan. Mà lúc đó cũng chủ quan thật, cứ nghĩ mình đã chuẩn bị hết các tình huống đề phòng rủi ro là có thể bắt tay làm được. Trẻ cho nên cũng húng. Liều lĩnh, hợm hĩnh, thiếu kinh nghiệm cộng thêm thủ đoạn dễ làm con người ta quên biết thân phận của mình. May mà còn biết nghe Thầy.

SỜ nắn cả tiếng đồng hồ nhưng chẳng thấy cánh tay này giống tay gấu lần trước. Nó chắc như cục gạch. Nó to như cái bụng của bác sỹ nữ trong khoa. Cứ liên tưởng đến cánh tay của Kẻ Hủy Diệt 3 với khẩu súng đại liên bắn không hết đạn là hoảng. Làm xong đại liên thành thần công thì toi. Mà rắn như thế này mất máu dữ lắm, máu cả người chỉ đến nuôi cái tay vô dụng này nên béo khỏe và béo chắc. Phàm cái gì được nuôi dưỡng quá tốt cũng đều phát triển quá mức thậm chí không cần biết nó có tác dụng thực sự cho cơ thể hay không. May mà nó chưa vô dụng.


AI cũng hiếu kỳ khi nhìn thấy tay to, từ người lạ đến nhân viên y tế. Nhưng kết quả chụp cộng hưởng từ lần trước không đem lại nhiều thông tin cần thiết. Vất vả lắm mới quyết định cho chụp lại cộng hưởng từ. Ông bạn xquang cũng động viên cho đi chụp lại ở Bạch mai. Tưởng phải hoãn mổ vì cả buổi sáng không chụp được cộng hưởng từ. Chỉ có kết quả mới dám chắc mổ được. Chứ làm hú hoạ chỉ có nước cắt cụt tay hay hai ngày sau tay đen sì thì đúng là hoạ rồi. Có lúc còn nhắn tin cầu cứu viện trợ bên ngoài "trước mổ anh hơi run, làm gì bây giờ...".  Đến gây mê còn đề nghị hoãn mổ sang ngày khác. Chỉ đến khi ông bác sỹ điện thoại báo kết quả cộng hưởng từ thì mọi chuyện được quyết định, không có đường quay lùi nữa. Cũng may không phải là bệnh như tôi nghĩ.

NĂM tiếng đồng hồ vật lộn với cánh tay to. Cắt cắt gọt gọt để không làm đứt mạch máu. Bài thi có vẻ dễ hơn vì  lúc này không chỉ có mình tôi làm bài. Sáu con người bâu chung quanh một cánh tay dài 1m2. Năm đồng nghiệp của tôi làm quên cả thời gian và không gian. Nhìn họ làm việc vui vẻ như trong một gia đình mà tôi không nỡ cáu giận như mọi khi. Họ còn trẻ nhưng đã có kỹ năng như tôi cách đây mười năm. Với các đồng nghiệp của tôi, có lẽ quan trọng nhất là có người đứng đầu tử tế và công bằng thì họ sẽ đi xa hơn cả tôi. Mười một cân mỡ lấy từ khối u minh chứng cho kết quả phẫu thuật thành công. May mà tôi có những người bạn ở bên cạnh.

GIỮA năm ông con trai, chỉ duy nhất tòi ra một cô bác sỹ, nhỏ nhất cả về tuổi và thể hình. Lọt thỏm trong một góc và cặm cụi làm việc. Mổ hăng say đến mức quên cả việc tì bụng mình vào mấy ngón tay to đùng của bệnh nhân trong 3 tiếng đồng hồ. Lại thành chủ đề vui cho cả kíp mổ dành cho cô em út này. Cũng vui và cũng hơi dung tục mà làm dịu đi không khí căng thẳng. Chắc bị trêu trọc nhiều, cô em út đề nghị cắt nốt khối u ở bàn tay và ngón áp út, vật chứng duy nhất đã được phép áp vào cơ thể mình. May mà đã nghe ý kiến của đồng nghiệp.  

ANH chàng phóng viên báo Pháp luật bỏ cả vợ trẻ để tháp tùng Cánh Tay To ra Hà nội. Mấy lần dạm hỏi toà soạn còn anh nào trẻ và đẹp trai như thế không để mối lái cho các em ở trong khoa. Cũng chỉ vui thôi chứ không có ý định kiếm chác gì qua mấy thương vụ này. Rất tiếc đám nam giới của báo này lấy vợ hết từ lâu. Còn Cánh Tay To được ra đây mổ cũng mất không nhiều tiền, vì cả kíp mổ không nhận tiền công, bệnh viện giảm tiền phẫu thuật và viện phí. Ấy vậy nhiều người thì thào hỏi Ông kiếm được mấy chục triệu từ ca này. Có vẻ bây giờ nhiều người liên hệ và qui đổi mọi việc ra tiền nhanh chóng mặt. Chẳng nhẽ không còn lấy nổi những người có thể làm phúc và còn có người được nhận phúc à. May là có thói quen không nhận phong bì nên vẫn há miệng được.



TÔI mới chỉ kết thúc một phần bài thi cùng với các đồng nghiệp yêu quí của mình. Ngày hôm sau chẳng một ai trong chúng tôi muốn nói về anh chàng Cánh Tay To nữa. Qua một cái dốc cao sau đó là lúc có khoảng lặng để nghỉ và nghĩ. Những cú điện thoại lấy tin hỏi thăm về anh Cánh Tay To của cánh nhà báo, rồi điện thoại chúc mừng của bạn bè thân thiết, tin nhắn của những bệnh nhân cũ, những lời hỏi thăm về chuyên môn của các bác sỹ chuyên khoa khác trong bệnh viện, cả những lời động viên của Ban giám đốc Bệnh viện, vẫn có một vùng tuyệt nhiên im lặng như mọi khi... Một con ễnh ương có thể cố làm mình no căng  như con bò, nhưng người ta vẫn nhìn thấy đấy là con ễnh ương. Người phụ nữ đẹp đôi khi tự huyễn hoặc mình bằng những cá tính do đám đàn ông vo ve xung quanh gán cho. Khi chữ TÂM ở sẵn trong người thì chẳng khi nào sợ điều tiếng, nhưng vẫn có cảm giác ghê ghê sự đố kỵ. Cũng may mà học được chữ TÂM và chữ NHẪN từ Cha.

(Xin đừng đọc chữ Nhẫn trước)


Dr Trần Thiết Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét