2/8/09

Phong bì cho bác sỹ


Năm 24 tuổi vừa tốt nghiệp bác sỹ, chưa bao giờ thấy sung sướng bằng khi bệnh nhân biếu tiền. Thường bệnh nhân ra viện và cảm ơn lúc bằng kẹo bánh, lúc là hoa quả. Thi thoảng có người đưa phong bì. Chẳng nghĩ gì ngoài việc đó là lòng thành của người ta, mà cũng là hoan hỉ vì mình chữa khỏi bệnh, hay nói cách khác mình cũng biết cách chữa bệnh, nói trắng ra là mình nghĩ mình giỏi đi. Tính tự phụ còn cao hơn nhu cầu cầm phong bì.



 
Năm 30 tuổi. Đã lành nghề hơn một chút. Bệnh nhân đông hơn và được điều trị  nhiều bệnh nhân khó. Có bệnh nhân nằm 1 tháng trời rồi cũng ra viện không một lời cảm ơn. Chạnh lòng và nghĩ sao không có cảm ơn. Khổ cho bệnh nhân sau đó, kém nhiệt tình khi chưa thấy dấu hiệu của đưa phong bì.

Năm 35 tuổi biết khó chịu với phong bì. Nghiệm ra sau một thời gian, 50% người bệnh muốn biếu cái gì đó để cảm ơn (kể cả phong bì), 30% lo sợ nhiều hơn và muốn đưa phong bì để giải quyết nỗi lo của mình trước khi người thân mổ. Còn 20% chẳng có ý định làm gì, ngay cả đến câu cảm ơn.

Năm 36 tuổi chứng kiến sự lật lọng của người nhà bệnh nhân với đồng nghiệp, biếu 1 thì nói 5, biếu sau mổ thì nói bác sỹ đòi phong bì trước mổ, tóm lại bệnh nhân đang muốn kiện bác sỹ vì kết quả không được tốt đẹp, họ tìm mọi cách để chưng minh họ có lý. Nhưng họ gặp tay bác sỹ không vừa. Giám đốc cho qua chuyện này.
  

Rồi cũng mất dần thói quen nhận phong bì, trước là lo cho mình, sau thì cũng không vì phong bì mà mình có thể giầu thêm được.

Bây giờ thì vui.

VUI vì chẳng còn là con nợ của người nhà bệnh nhân trước mỗi cuộc mổ. Họ và đồng nghiệp cũng chẳng có lý do để kiện về thái độ của mình. Và nếu có sai sót về chuyên môn, cũng không áy náy mỗi khi nhìn thấy mặt họ và tự hiểu lỗi do mình dốt chứ không phải không có trách nhiệm. Chẳng còn lo cảnh rình rập tìm chỗ sơ hở trong chuyên môn của người nhà bệnh nhân với bác sỹ.

VUI vì vẫn có thể tận tâm với người nghèo như người giầu. Vẫn làm hết sức được những cái có thể làm được mà không bận tâm có phong bì hay không. Và vẫn có thể cười nói tự nhiên khi chữa bệnh cho người nghèo.

BUỒN vì vẫn cái cảnh giằng co đưa nhận phong bì với người bệnh trước mỗi cuộc mổ. Nhiều người bị từ chối phong bì lại nghĩ chắc phong bì nhẹ quá nên bác sỹ từ chối, rồi muốn bác sỹ cầm phong bì để làm cẩn thận cho người thân, một cách bày tỏ lòng thành tâm... cứ ấn phong bì vào mọi nơi mọi ngóc ngách trong phòng.



BUỒN vì vẫn nhiều người nghĩ thế, phải có phong bì trước mổ. Còn mình thì cười buồn mà nhủ nếu có bán một mảnh đất thì cũng bằng giá phong bì của 50 năm làm việc là cùng.

BUỒN vì sau khi không nhận phong bì, bệnh nhân ra viện vẫn không có thói quen cám ơn bác sỹ. Rồi kháo nhau ở đây làm việc không cần phong bì, cứ đến mổ và ra không thanh toán viện phí cũng được. Khối bệnh nhân đã trốn thanh toán tất cả các loại tiền.

BUỒN vì còn nhiều người nghèo quá, giúp không xuể. Mà chi phí thuốc men và mổ xẻ vẫn đắt. 


BUỒN vì nghề thầy thuốc rẻ quá. Tiền công mổ một ca trong tám tiếng không đủ sống một ngày. Ở Tây bác sỹ có thể sống được một tháng với một ca mổ tương tự ở ta.

BUỒN vì tận tâm thế nhưng vẫn có người gọi bằng thằng bác sỹ...

BUỒN vì đủ thứ chuyện buồn không nói ra hết được...  



Dr Trần Thiết Sơn 


2 nhận xét:

  1. Anh đúng là một vị bác sỹ với cái tâm mà người đời vẫn thường tôn vinh những người mặc áo Blouse trắng " Lương y như từ mẫu"

    Trả lờiXóa
  2. Anh đúng là một vị bác sỹ với cái tâm mà người đời vẫn thường tôn vinh những người mặc áo Blouse trắng " Lương y như từ mẫu"

    Trả lờiXóa