30/9/10

Giãn da để 'vá' vết thương

Đặt túi giãn da ở vùng đầu.
Ảnh minh họa 

Chị Phạm Thị T., 27 tuổi (Hà Nội) bị một khối u sắc tố đen kịt che kín gần hết đầu và một nửa mặt bên phải. Trước đây, các bác sĩ “bó tay” với những trường hợp này; hoặc nếu phẫu thuật để tránh khối u biến thành ung thư thì bệnh nhân cũng trở nên dị dạng. Tuy nhiên, nhờ áp dụng kỹ thuật giãn da cấy ghép, hiện toàn bộ phần da mặt, da đầu của chị T. đã trở lại như bình thường.









Da giãn sẽ giống như da bình thường

Kỹ thuật giãn da cấy ghép không chỉ đem lại sự sống cho nhiều bệnh nhân u, bỏng... mà còn có vai trò quan trọng trong chuyên ngành phẫu thuật tạo hình.

Tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết trước kia để có da ghép cho những vùng tổn thương, u sắc tố, u máu và nhất là sau bỏng, thường áp dụng kỹ thuật ghép da tự thân (lấy mảnh da từ vùng bất kỳ của bệnh nhân để ghép vào vùng khác). Nhược điểm của phương pháp này là da ghép có thể trở nên đen sậm, mọc lông, thay đổi cảm giác, bị co rúm và khó che phủ nếu sẹo quá rộng. Kỹ thuật giãn da khắc phục được tất cả những điều này. Vùng da mới đạt chất lượng, giúp người bệnh cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống.


Một ca phẫu thuật giãn da tại Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội.
Ảnh: Tường Linh.

Bệnh viện Xanh Pôn đã chữa trị được cho nhiều ca phức tạp như tạo hình lại vùng da bị sẹo bỏng gây biến dạng và co kéo ở đầu, mặt, tai, cổ, khoeo, nách, khuỷu, bàn và ngón tay, vú, cơ quan sinh dục ngoài, u máu, u sắc tố… Diện tích đã được cấy ghép có trường hợp lên tới 400 cm2 trên đầu và 700 – 800 cm2 ở bụng...

Thạc sĩ Uông Thanh Tùng, bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, cho biết kỹ thuật giãn da có thể cung cấp khối lượng rất lớn da đủ để che phủ những khiếm khuyết rộng. Da giãn có đầy đủ các đặc điểm như da bình thường (có tuyến mồ hôi, tuyến bã, nang lông…), không thay đổi màu sắc và giữ nguyên cảm giác. Nơi cho vạt giãn không bị tổn thương thêm hay thiếu tổ chức như các kỹ thuật khác.

Tỷ lệ thành công cao

Theo thạc sĩ Tùng, tỷ lệ thành công của kỹ thuật này có thể đạt 100%. Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật khó thực hiện, đòi hỏi chuyên môn cao. Khi giãn da, bệnh nhân phải được theo dõi hằng ngày, tính toán lượng nước bơm vào cho phù hợp. Bơm căng quá, đường mổ sẽ không liền hoặc bơm nhanh quá, da mới sẽ bị hoại tử… Khi đã đủ lượng da cần thiết, phải mổ rạch bỏ túi da và tạo hình da giãn sao cho vừa khít vùng tổn thương đã được tính toán trên không gian ba chiều. Sau đó là nối ghép da và để cho da phát triển bình thường.

Nhược điểm của phương pháp này là bệnh nhân phải chịu hai lần phẫu thuật (đặt và tháo túi giãn), thời gian điều trị kéo dài (tối thiểu hai tháng) khiến bệnh có thể biến chứng, thậm chí có thể làm kỹ thuật thất bại (nhiễm trùng, lộ túi giãn, hoại tử da...), trong khi chi phí lại cao (4 - 10 triệu đồng). Đây là một kỹ thuật đòi hỏi thời gian và sự hợp tác chặt chẽ của bệnh nhân với thầy thuốc. Chính vì vậy, những bệnh nhân có rối loạn tâm thần, những vùng da bị chiếu xạ, vùng da bị tổn thương nặng nề, tổn thương của mạch máu (u bạch mạch, u máu) hay vị trí đặt túi bên cạnh tổ chức ác tính, viêm nhiễm... không thực hiện được kỹ thuật này.

Tường Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét