(Sức khỏe & Đời sống) - Sau 8 giờ
trong phòng mổ, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn, Viện
Răng hàm mặt - Đại học Y Hà Nội đã phẫu thuật cắt bỏ và tạo hình thành công cho
bệnh nhân bị biến dạng hoàn toàn vùng hàm mặt do khối u ác tính. Các chuyên gia
cho biết, với những tiến bộ trong điều trị hiện nay thì chất lượng sống của nhiều
người bệnh nặng có thể được cải thiện.
Ngạt mũi, buốt
răng không ngờ bị ung thư
Cách đây 4
tháng, chị Đặng Thu H., 39 tuổi (Lương Sơn - Hòa Bình) cảm thấy đau, tê buốt
vùng hàm trên từng đợt, bản chất là một người béo tốt khỏe mạnh, không có bệnh
tật gì nên chị cứ nghĩ do viêm răng lợi bình thường gây ra và không để ý tới.
Hơn một tháng nay, các đợt đau buốt tăng dần lên, khiến chị có lúc bị tê dại cả
khuôn mặt, kèm theo đó là tình trạng ngạt mũi cũng xuất hiện và ngày càng nặng
hơn khiến chị rất khó thở, nhất là về đêm. Theo kinh nghiệm của những người
xung quanh cho rằng chị bị viêm xoang, chị đi mua thuốc nhỏ mũi và kháng sinh về
dùng nhưng không hề có tác dụng. Qua vài đợt tự dùng thuốc mà không thấy bệnh
thuyên giảm chị quyết định đi khám, mong là được bác sĩ kê cho đơn thuốc đặc hiệu
hơn mà không hề hay biết chị đang mang trong người một căn bệnh nguy hiểm.
Điều trị sau phẫu thuật cho bệnh nhân H. tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. |
Tại Bệnh viện
Đại học Y Hà Nội, qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nghi ngờ chị H. có dấu hiệu
của ung thư hàm mặt và cho làm các xét nghiệm chẩn đoán khác. Trên hình ảnh của
chụp CT vùng hàm mặt của chị H. cho thấy có khối tổ chức ở vị trí khẩu cái cứng,
kích thước 5 x 6cm, lấp đầy hốc mũi hai bên, phá hủy hai bên xương hàm mặt,
niêm mạc xoang hàm bị dầy lên. Để khẳng định chính xác tình trạng bệnh của chị
H., các bác sĩ tiếp tục cho làm sinh thiết khối u, kết quả không ngoài dự đoán:
xương hàm mặt của bệnh nhân H bị ung thư.
Kết hợp nhiều
kỹ thuật trong cùng một ca mổ
PGS.TS. Nguyễn
Hữu Tú - Trưởng Khoa gây mê hồi sức và chống đau, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội:
“Nguy cơ suy hô hấp sau mổ rất cao ở bệnh nhân phải phẫu thuật phức tạp vùng
hàm mặt...
Đảm bảo an
toàn cho một cuộc mổ phức tạp vùng hàm mặt kéo dài 8 giờ đồng hồ và thoát mê,
rút ống nội khí quản của bệnh nhân H. là một khó khăn đối với những người làm
gây mê hồi sức. Bởi vì thời gian phẫu thuật quá dài dễ gây ra nhiều nguy cơ
trong và sau mổ như rối loạn huyết động, tụt thân nhiệt, rối loạn đông máu, điện
giải...
Đặc biệt, cuộc đại phẫu lại được thực hiện tại vùng hàm mặt làm thay đổi
cơ bản giải phẫu đường hô hấp (bệnh nhân cắt gần nửa mặt trên) nguy cơ suy hô hấp
nặng sau khi rút ống nội khí quản là rất lớn. Thông thường, những ca phẫu thuật
phức tạp vùng hàm mặt phải chấp nhận mở khí quản chủ động để bỏ máy thở sau mổ.
Chúng tôi đã cố gắng hồi sức tích cực bệnh nhân trong 3 ngày, đã rút ống nội
khí quản thành công, tránh được can thiệp mở khí quản. Cùng với kỹ thuật chống
đau hiện đại, bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng sau phẫu thuật”.
PGS.TS. Lê
Văn Sơn - Viện Răng hàm mặt, Đại học Y Hà Nội cho biết, đây là một ca bệnh khó,
ung thư xương hàm trên đã ở giai đoạn muộn, bệnh đã biến chuyển rất nặng. Trong
tất cả các trường hợp bị ung thư hàm mặt đều có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ,
riêng bệnh nhân này không chỉ loại bỏ các tổ chức khối u mà còn phải tạo hình lại
khuôn mặt thì mới đạt được chất lượng điều trị. Để có thể mang lại một kết quả
tốt nhất, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn, Viện Răng
hàm mặt - Đại học Y Hà Nội cùng phối hợp trong một ca mổ.
Các bác sĩ
cho hay, thông thường, các trường hợp ung thư biểu mô tuyến xương hàm trên thường
chỉ một bên (trái hoặc phải). Điều trị cho những bệnh nhân này là nạo vét sạch
vùng bị tổn thương do khối u, sau đó dùng vạt cơ thái dương bên đó tạo hình. Đối
với bệnh nhân H. bị tổn thương cả hai bên và lan quá mức trên cả vùng hàm mặt.
Vì thế nếu cắt bỏ toàn bộ phần bị ung thư và tổ chức liên quan sẽ để lại lỗ
khuyết rất lớn trên mặt, mặt sẽ biến dạng và dẫn đến mất nhiều chức năng như:
thở kém, không thể nói, cười, ăn uống khó khăn... toàn bộ khối mặt sẽ tụt ra
sau. Chính vì vậy để giữ lại hình thái và những chức năng cơ bản cho khuôn mặt người
bệnh đòi hỏi có sự phối hợp nhiều chuyên khoa khác nhau. Bệnh viện Đại học Y Hà
Nội đã sẵn sàng hai kíp mổ cùng với các bác sĩ gây mê hồi sức tiến hành phẫu
thuật cho người bệnh.
Kíp mổ thứ
nhất do PGS.TS. Lê Văn Sơn chủ trì, các phẫu thuật viên đục tách chân bướm khỏi
khối hàm trên, đục tách rời trụ nanh và vách ngăn hốc mũi, cắt niêm mạc quanh
u, cắt các cuốn mũi dưới và giữa, nạo vét xoang hàm 2 bên, lấy gọn toàn bộ u và
xoang hàm trên. Đồng thời chuẩn bị đường hầm để cho cuống mạch khi ghép da và cơ
đùi đi qua.
Kíp mổ thứ 2
do PGS.TS. Trần Thiết Sơn - Trưởng Bộ môn phẫu thuật tạo hình, Trưởng Khoa phẫu
thuật tạo hình - Bệnh viện Xanh Pôn thực hiện. Các bác sĩ bóc vạt da cơ đùi trước
trái chuyển vạt tới vùng hàm mặt. Tạo hình các bộ phận đã bị cắt để khuôn mặt
có được chức năng gần như bình thường. Điều khó khăn nhất để vùng tổ chức của
vùng đùi "sống" trên mặt người bệnh là phải nối được các động tĩnh mạch
của vạt tổ chức đùi với các động tĩnh mạch vùng hàm mặt. Quá trình tạo hình các
bộ phận trên mặt và nối ghép các động tĩnh mạch là một kỹ thuật khó, đòi hỏi
trình độ lành nghề của người phẫu thuật viên.
Sau 8 giờ phẫu
thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ và tạo hình thành công khuôn mặt cho bệnh nhân. Hiện
bệnh nhân đã được điều trị ổn định và xuất viện.
Cơ hội sống
cho bệnh nhân ung thư hàm mặt
PGS. TS. Lê
Văn Sơn khẳng định, đây là một tiến bộ lớn trong điều trị ung thư vùng hàm mặt.
Trước đây, đối với những bệnh nhân nặng như chị H. thì hoặc là không thể chỉ định
phẫu thuật hoặc nếu phẫu thuật thì chỉ có thể cắt bỏ khối u mà không thể tái tạo
lại những tổ chức bị phá hủy hoặc phải trải qua nhiều cuộc mổ khác nhau mới có
thể tạo hình được phần nào vì phẫu thuật này có thời gian khá lâu, phức tạp,
đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ của nhiều chuyên khoa. Gần đây, tất cả những ung thư
vùng hàm mặt (lưỡi, xương hàm...) bệnh nhân được tạo hình ngay sau khi phẫu thuật
loại bỏ tổ chức ung thư, điều đó không chỉ mang lại cơ hội sống cho người bệnh
mà còn nâng cao chất lượng sống của họ.
Lấy vạt da cơ đùi để ghép vào mặt cho bệnh nhân. |
Các bệnh
vùng hàm mặt dễ phát hiện nhưng dễ bị bỏ qua
Không giống
như các dấu hiệu ung thư âm thầm ở nhiều cơ quan khác, các biểu hiện bất thường
vùng hàm mặt rất dễ phát hiện, PGS. TS. Sơn chia sẻ. Bệnh nhân có thể nhìn thấy
được, cảm thấy được ( đau, buốt, mỏi...) và sờ thấy được. Nhưng hầu hết người bệnh
lại thường đến viện khi đã muộn. Vì vùng miệng họng hay bị tổn thương, dễ bị tổn
thương do rất nhiều lý do khác nhau, thậm chí là stress cũng có thể làm rộp lưỡi,
loét miệng. Những dấu hiệu ban đầu rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường
khác và người bệnh đều bỏ qua, thậm chí những bác sĩ không có kinh nghiệm cũng
không nghĩ tới nguy cơ ung thư.
Các bác sĩ
cho biết, khi ung thư vùng hàm mặt đã ở giai đoạn muộn thì phát triển với tốc độ
rất nhanh. Theo PGS. Sơn, sở dĩ ung thư ở bộ phận này phát triển nhanh do dễ bị
sang chấn, dễ bị chảy máu và vì thế rất dễ bị nhiễm khuẩn, điều đó làm bệnh
nhân suy giảm nhanh chóng các chức năng nuốt, thở, nói, nhai, trong đó quan trọng
nhất là ăn uống dẫn đến cơ thể suy kiệt, mệt mỏi... Tất cả tạo thành vòng xoáy
luẩn quẩn của ung thư vùng hàm mặt. Chính vì vậy, lời khuyên của các bác sĩ là
nếu thấy những bất thường ở răng miệng người bệnh không tự ý dùng thuốc mà cần
được khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Tú - Trưởng Khoa
gây mê hồi sức và chống đau, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: “Nguy cơ suy hô hấp
sau mổ rất cao ở bệnh nhân phải phẫu thuật phức tạp vùng hàm mặt...
Đảm bảo an toàn cho một cuộc
mổ phức tạp vùng hàm mặt kéo dài 8 giờ đồng hồ và thoát mê, rút ống nội khí
quản của bệnh nhân H. là một khó khăn đối với những người làm gây mê hồi sức.
Bởi vì thời gian phẫu thuật quá dài dễ gây ra nhiều nguy cơ trong và sau mổ
như rối loạn huyết động, tụt thân nhiệt, rối loạn đông máu, điện giải...
Đặc
biệt, cuộc đại phẫu lại được thực hiện tại vùng hàm mặt làm thay đổi cơ bản
giải phẫu đường hô hấp (bệnh nhân cắt gần nửa mặt trên) nguy cơ suy hô hấp
nặng sau khi rút ống nội khí quản là rất lớn. Thông thường, những ca phẫu
thuật phức tạp vùng hàm mặt phải chấp nhận mở khí quản chủ động để bỏ máy thở
sau mổ.
Chúng tôi đã cố gắng hồi sức tích cực bệnh nhân trong 3 ngày, đã rút
ống nội khí quản thành công, tránh được can thiệp mở khí quản. Cùng với kỹ
thuật chống đau hiện đại, bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng sau phẫu thuật”.
|
Bài và ảnh Lê Hảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét