(An ninh Thế giới) - Những ngày vừa
qua, dư luận - và nhất là quý bà, quý cô ở Việt Nam, những người từng tiến hành
làm phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực bằng cách đặt túi silicon không khỏi hoang
mang, lo lắng trước thông tin ngành y tế và Chính phủ Pháp đã thành lập một ủy
ban đặc biệt để điều tra vấn đề túi nâng ngực của Công ty Poly Implant Prothese
(PIP) vì loại túi này gây ra bệnh ung thư. Túi PIP đã xuất hiện ở Việt
Nam và có thể đã có thẩm mỹ viện dùng nó...
Sự việc bắt
đầu vào năm 2010, ngành y tế Pháp phát hiện Công ty PIP đã sử dụng một loại
silicon không đủ tiêu chuẩn để làm túi nâng ngực cho phụ nữ mà cụ thể là tỷ lệ
rò rỉ, bể vỡ của nó cao hơn khác thường so với các túi cùng chủng loại do những
hãng khác sản xuất.
Dựa vào
2.172 đơn kiện từ các khách hàng nữ đặt loại túi ngực nói trên, ngành y tế và cảnh
sát Pháp đã thành lập một ủy ban đặc biệt để cùng phối hợp điều tra. Kết quả dẫn
đến quyết định đóng cửa nhà máy của PIP, cấm lưu hành sản phẩm của PIP trên thị
trường. Thế là... PIP phá sản!
Ông Laurent
Lantieri, một bác sĩ phẫu thuật thuộc Ủy ban điều tra đặc biệt, nói:
"Chúng ta phải gỡ bỏ tất cả các túi nâng ngực này. Chúng ta đang đối mặt với
một cuộc khủng hoảng y tế có liên quan đến chuyện lừa gạt". (Trước đó, năm
2007-2008, hàng trăm người sử dụng túi silicon ở Anh đã kiện Hãng PIP vì
"rò rỉ silicon", và PIP đã bị một tòa án Anh phạt vắng mặt 1,4 triệu
euro tiền bồi thường).
Thành lập
năm 1991, Công ty PIP có trụ sở ở miền Nam nước Pháp. Trước khi xảy ra sự cố
túi PIP có thể gây ung thư, PIP được biết đến như nhà sản xuất túi nâng ngực đứng
hàng thứ 3 thế giới với sản lượng 100.000 sản phẩm mỗi năm, và 80% trong số này
dành cho xuất khẩu...
Các cuộc điều
tra của ngành y tế Pháp cho thấy, để tăng thêm lợi nhuận, PIP đã sử dụng một loại
silicon không được phép dùng trong cấy ghép vào cơ thể người, nhưng giá thành rẻ hơn 10 lần. Loại silicon
này có thể tìm thấy ở bất kỳ sản phẩm dân dụng nào, từ máy vi tính, đồ chơi trẻ
em đến nồi, chảo không dính.
Theo thống
kê sơ bộ, ước lượng có khoảng từ 300.000 đến 400.000 phụ nữ trên khắp thế giới
đã được đặt túi nâng ngực của PIP, chủ yếu là ở Pháp, Anh, Italia, Argentina,
Colombia, Brazil, Venezuela., Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha...
Riêng tại Việt
Nam, theo bác sĩ Lê Văn Sẻ, Giám đốc Thẩm mỹ viện 473B Cách Mạng Tháng 8, quận
10, TP HCM - là một trong rất ít những cơ sở phẫu thuật tạo hình ở TP HCM, được
phái nữ tín nhiệm, thì: "Mấy năm trước, một số đồng nghiệp của tôi cho biết,
đã từng có người tới chào họ loại túi PIP này nhưng họ không mua vì thành phần
cấu tạo của nó không rõ ràng. Hơn nữa, thấy giá rẻ quá nên họ cũng nghi ngờ vì
rằng phẫu thuật tạo hình - nhất là tạo hình có cấy ghép mà chất liệu cấy ghép
không bảo đảm thì vừa mất uy tín, vừa gây nguy hiểm cho khách hàng".
Theo Tiến
sĩ, bác sĩ Đỗ Quang Hùng, Phó khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy:
"Túi độn ngực PIP được sử dụng ở Việt Nam hơn 6 năm về trước. Nhưng thời
gian gần đây, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ chính quy thường không dùng loại
này".
Tương tự như
vậy, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh
viện Xanh Pôn, Hà Nội, cho biết, túi độn ngực PIP đã từng được chào mời ở Việt
Nam: "Cũng có người gọi điện giới
thiệu tôi nhập sản phẩm này cho khoa, nhưng sau khi tìm hiểu thấy không yên tâm
về chất liệu làm túi nên khoa đã không nhập, không sử dụng".
Như vậy, rất
có thể có những thẩm mỹ viện khác vì lợi nhuận, đã mua loại túi PIP rồi đặt cho
các quý bà, quý cô có nhu cầu nâng cấp vòng 1. Còn ai là người đã được đặt túi
PIP thì đến nay, vẫn chưa thấy có một khiếu nại nào.
Túi silicon
của Công ty PIP
Thực tế cho
thấy nhu cầu làm đẹp của phái nữ ở nước ta rất lớn và nhiều người trong số họ
đã bị các hình thức quảng cáo làm cho... mờ mắt, rồi tự tìm đến những "thẩm
mỹ viện" để "nâng", để "đắp" mà chẳng cần hỏi han ý kiến
của các bác sĩ trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình.
Sau khi
thông tin về những nguy cơ khi sử dụng túi nâng ngực PIP được công bố, nước
Pháp đã ghi nhận 8 trường hợp phụ nữ bị ung thư vì cấy ghép túi PIP, trong đó
có một phụ nữ Pháp là bà Edwige Ligonèche, 53 tuổi, qua đời ngày 2/11 vừa qua
do một dạng ung thư hệ bạch huyết rất hiếm gặp mà nguyên nhân được xác định
là trong ngực có... túi PIP!
Túi nâng ngực của hãng PIP.
Cái chết của
bà Edwige Ligonèche làm dấy lên làn sóng lo lắng. Tại nước Anh, ít nhất 250 phụ
nữ đã quyết định gửi đơn khởi kiện Hãng PIP vì hơn một nửa trong số họ bị vỡ
túi nâng ngực. Bộ Y tế Italia cũng đang thống kê số phụ nữ đã phẫu thuật thẩm mỹ
bằng cách cấy ghép túi PIP vì từ năm 2005 đến nay, có khoảng 24 trường hợp vỡ
túi nâng ngực, đồng thời ra lệnh thu hồi sản phẩm của PIP. Tương tự như vậy,
Argentina, Colombia và Brazil - các thị trường lớn tiêu thụ túi nâng ngực đã ra
lệnh thu hồi tất cả các túi PIP.
Để trấn an
dư luận, trong thông cáo chính thức ngày 23/12, Bộ Y tế Pháp dựa trên ý kiến của
các chuyên gia, đã khẳng định túi nâng ngực của PIP và bệnh ung thư không có mối
liên quan. Nhưng vì sản phẩm bị rò rỉ nhiều, chứng tỏ các túi này không đảm bảo chất lượng nên Bộ Y tế Pháp quyết
định những ai có nhu cầu tháo bỏ túi silicon của PIP để phòng ngừa ung thư, thì
sẽ được chính phủ đài thọ toàn bộ chi phí.
Tương tự như
vậy, Cơ quan Quản lý dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh quốc
(MHRA) cho rằng, những người đã từng đặt túi nâng ngực không nên lo lắng vì hiện
chưa có bằng chứng khoa học nào liên quan giữa túi PIP và bệnh ung thư, trong
lúc có khoảng 50.000 phụ nữ Anh đã được đặt túi PIP. Các chuyên gia cùng ngành ở
Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ireland, Hungary, Áo, Đan Mạch và Malta cũng đều nhất trí với
nhận định này.
Ngược lại theo một báo cáo gần đây của Cơ quan Quản lý
thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), thì tỷ lệ mắc ung thư hệ bạch huyết ở phụ
nữ nước này là 1/500.000 người, còn tỷ lệ xuất hiện ở ngực càng hiếm hơn. Tuy
nhiên, FDA đã ghi nhận 60 trường hợp phụ nữ được ghép túi nâng ngực của nhiều
hãng khác nhau trên thế giới, bị ung thư dạng hệ bạch huyết.
Theo Tiến
sĩ, bác sĩ Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, thì: "Cho đến
thời điểm hiện tại, chưa có một công trình nghiên cứu nào trên thế giới chứng
minh rằng dùng túi độn ngực PIP có thể gây ung thư ở người. Ngay cả những
nghiên cứu trên thế giới với hàng triệu trường hợp giữa người sử dụng túi nâng
ngực và người không sử dụng thì tỉ lệ ung thư của hai nhóm này cũng tương đối bằng
nhau. Vì vậy, chưa thể kết luận túi silicon dùng để nâng ngực có thể gây ung
thư".
Giáo sư, bác
sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cũng cho biết: "Từ
lâu, người ta đã chứng minh túi silicon dùng để nâng ngực không hề gây ung thư,
kể cả ưng thư vú. Và qua theo dõi của
tôi thì cũng chưa thấy trường hợp nào ở Việt Nam bị ung thư vú do dùng túi nâng
ngực". Ngay cả khi túi silicon bị vỡ sau khi nâng ngực cũng ít có khả năng
gây ung thư vú. Trong trường hợp đó, nó chỉ gây viêm nhiễm rồi xơ hóa, làm biến
dạng ngực. Bác sĩ Lê Văn Sẻ, nói: "Vì thế, những ai từng dùng túi PIP để nâng
ngực thì cũng đừng quá hoang mang mà nên chờ kết luận chính thức của các cơ
quan có uy tín và thẩm quyền".
Dù vậy, theo
tìm hiểu của chúng tôi, trước thông tin về việc ngành y tế Pháp đóng cửa Công
ty PIP và thu hồi sản phẩm của PIP, thì khá nhiều các bác sĩ chuyên khoa phẫu
thuật thẩm mỹ ở TP HCM đều khuyên những ai đã từng đặt túi nâng ngực - dù là của
bất kỳ hãng nào - cũng nên đi kiểm tra lại để đề phòng. Bên cạnh đó, một túi
nâng ngực - tùy theo hãng sản xuất - có tuổi thọ khoảng từ 10 đến 15 năm. Nếu
ai đã đặt nó quá thời gian này thì cũng cần kiểm tra lại cho dù không thấy biến
chứng gì vì lúc này, chất silicon đã lão hóa.
Cuối cùng,
sau khi vụ scandal túi PIP nổ ra, 270 phụ nữ Anh dự định khởi kiện các bệnh viện
đã nâng ngực họ bằng túi silicone. Theo luật sư Mark Harvey, thành viên của Công ty Luật Hugh James, các
thân chủ của ông than phiền là họ thường xuyên bị viêm nhiễm, mệt mỏi, đau cơ,
khớp. Bên cạnh đó, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol hôm 23/12 vừa qua
cho biết đã phát lệnh truy nã người sáng lập Công ty PIP vì đã sản xuất túi
nâng ngực có thể gây hại cho sức khỏe của người dùng
V.C.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét