12/10/12

Vuốt, kẹp mũi có làm mũi cao hơn?

(Đất Việt) - Bà Hòa cứ khi nào bế cháu là lại dùng hai ngón tay vừa vuốt vừa kéo mũi cháu với hy vọng cái mũi tẹt của cô cháu gái bé bỏng sẽ biến thành mũi dọc dừa. 
















Ngày cô con dâu sinh được đứa cháu gái, bà Hòa (Mỹ Đức, Hà Nội) mừng lắm. Nhà bà vốn đang hiếm con gái. Bà sinh con một bề được ba cậu con trai. Hai anh đầu, mỗi người  lại sinh cho bà hai đứa cháu trai nữa nên bà “sợ” phải “chịu trận” những trò nghịch ngợm của đám con, cháu trai ấy quá rồi. Cậu út lấy vợ năm ngoái thì đến năm nay đã sinh cho bà một đứa cháu gái xinh xắn. Thế là bà Hòa dành lấy mọi việc chăm sóc cháu.

Con bé trông rất xinh xắn, tóc đen, da trắng, môi hồng nhưng chỉ có cái mũi thì theo bà Hòa là tướng “tán của” vì đã tẹt lại hơi hếch lên. Sợ cháu gái sau này lớn lên khó lấy chồng, bà Hòa cứ xuýt xoa mãi vì khiếm khuyết đó và quyết tâm... chống lại tạo hóa để mong cháu gái bà có một khuôn mặt hoàn hảo. Bà bảo với con dâu, theo kinh nghiệm từ xưa trẻ con mới sinh đứa nào mũi tẹt thì ông bà cha mẹ cứ vuốt mũi thật nhiều sẽ cao lên.

Áp dụng đúng bài đó, bà Hòa cứ khi nào bế cháu là lại dùng hai ngón tay vừa vuốt vừa kéo mũi cháu với hy vọng cái mũi tẹt của cô cháu gái bé bỏng sẽ biến thành mũi dọc dừa. Thế nhưng mãi mà mũi đứa cháu của bà vẫn chẳng cao thêm được tí nào.

Hình dáng mũi cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào yếu tố di truyền.

Cũng băn khoăn vì cái mũi không được cao của con trai, anh Chính (Văn Giang, Hương Yên) không những vuốt mà còn bắt con phải kẹp mũi để có được cái mũi... “Tây”.

Khi vợ anh Chính sinh con trai, nhìn thằng bé đáng yêu với các nét trên khuôn mặt đều giống bố: lông mày rậm, trán cao, nhưng cái mũi của cu cậu lại có phần hơi khiêm tốn so với các nét khác trên khuôn mặt, nghĩa là bị... tẹt. Anh Chính cứ băn khoăn vì con trai mà mũi tẹt thì sẽ mất đi vài phần... nam tính cũng như không được... “Tây” cho lắm. Thế nên anh tích cực tìm mọi biện pháp để mong cải thiện tình hình. Có người mách anh phải vuốt mũi thật nhiều thì sẽ cao lên. Anh Chính về nhà cũng bắt vợ làm đúng như thế. Hàng ngày lúc rửa mặt, hay cho con bú, vợ anh đều nắn vuốt mũi cho con.

Đến lúc con trai lên 5 tuổi và vợ chồng anh cũng đã nắn vuốt rất kiên trì, đều đặn mà mũi tẹt vẫn hoàn ... tẹt. Lại có người mách dùng kẹp mũi để kẹp thì mũi sẽ cao, anh Chính cũng làm theo. Cứ đến lúc lên giường đi ngủ, vợ chồng anh lại vừa nịnh, vừa nạt, vừa ép cậu con trai phải đeo kẹp mũi. Thằng bé bị đau kêu oai oái nhưng trước sức ép của bố mẹ nó đành phải nghe. Nhưng chỉ được ba tối, khi kết quả còn chưa thấy đâu thì mũi của cậu bé đã bị sưng đỏ, đau nhức, và cậu bé còn kêu khó thở. Anh Chính vội đưa con đến bệnh viện khám thì mới tá hỏa khi nghe bác sĩ nói con trai anh bị tổn thương vùng sụn mũi do tác động của kẹp quá mạnh lên mũi. Nếu để quá lâu có nguy cơ làm biến dạng mũi.

Theo PGS. TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Xanh - Pôn, Hà Nội), hình dáng mũi của mỗi người (cao hay thấp) là do di truyền nên không thể thay đổi bằng các phương pháp tác động từ bên ngoài như kẹp hay vuốt mũi. Nhiều bậc cha mẹ, ông bà vẫn tin theo kinh nghiệm xưa khi em bé có cái mũi thấp, tẹt thì dùng cách vuốt mũi, nẹp mũi để làm cho mũi cao hơn, bác sĩ Sơn khẳng định là không hề có tác dụng.

Cấu tạo của mũi có dạng hình tháp với đỉnh (phần gốc mũi) nằm giữa hai mắt, đáy quay xuống dưới là nơi mở ra của hai lỗ mũi. Hai lỗ mũi được ngăn cách với nhau bằng trụ mũi bên ngoài và vách ngăn bên trong. Khung sụn - xương mũi là giá đỡ cho tổ chức phần mềm ở trên, trong đó phần xương chính mũi nằm ở 1/3 trên của tháp mũi, 2/3 dưới là khung sụn bao gồm sụn tam giác, sụn cánh mũi, sụn vách ngăn mũi.

Đối với trẻ nhỏ, các tổ chức xương sụn còn non, mềm, lớp niêm mạc ở khoang mũi mỏng và yếu, đồng thời có nhiều mạch máu tập trung ở đây nên nếu thường xuyên tác động đến mũi trẻ sẽ gây tổn thương cho niêm mạc và các vi mạch máu trong mũi ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của mũi, khiến vi khuẩn, bụi bẩn dễ xâm nhập gây viêm nhiễm đường hô hấp.

Nếu can thiệp quá thô bạo như việc dùng kẹp mũi có thể gây tổn thương vùng khung sụn dưới mũi, tổn thương vách mũi và các thành phần bên trong, gây biến dạng trụ mũi. Như vậy sẽ không thể khiến mũi đẹp hơn mà còn làm cho hình dáng mũi phát triển không bình thường.

Bác sĩ Sơn cho biết, phải đến sau 25 tuổi, xương sống mũi mới phát triển hoàn thiện và mũi mới có được hình dáng cố định. Vì thế các bậc cha mẹ không nên quá sốt ruột khi thấy mũi con mình không cao, đẹp như mong muốn mà tìm mọi cách để tác động sẽ gây hậu quả không đáng có. 


Nam Thi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét