12/10/12

Tạo hình vú sau phẫu thuật ung thư

(SK & ĐS) -Tỷ lệ ung thư vú hằng năm vẫn tăng cao và ở Việt Nam loại ung thư này đứng hàng đầu trong các loại ung thư của phụ nữ. Chẩn đoán sớm và các phương pháp điều trị mới đã làm giảm tỷ lệ tử vong của bệnh này. Tuy nhiên có một vấn đề được đặt ra sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú: có cần phẫu thuật tạo hình vú hay không và phẫu thuật như thế nào?



Có cần thiết tạo hình vú hay không?

Điều trị ung thư vú bao gồm việc loại bỏ khối u cùng với một phần hay toàn bộ vú (cắt vú bán phần hay toàn phần) và kết hợp các biện pháp khác như hóa trị liệu hay xạ trị liệu. Phương pháp điều trị ung thư vú và ý muốn được tạo hình vú của bệnh nhân sẽ liên quan tới việc có nên phẫu thuật tạo hình vú không và cách thức tiến hành phẫu thuật như thế nào.

Tạo hình lại vú không phải bắt buộc cho tất cả những phụ nữ đã cắt bỏ vú do ung thư. Rất nhiều người vẫn có thể sống hạnh phúc suốt đời với một bên vú không bình thường và chẳng cần đến phẫu thuật tạo hình vú. Nhóm người này thường là lớn tuổi, ít nhu cầu về đời sống tình dục hay không có đòi hỏi cao trong vấn đề giao tiếp xã hội. Tuy nhiên cũng có nhiều phụ nữ không đi phẫu thuật, một phần vì thiếu hiểu biết, phần khác vì thiếu thông tin cần thiết từ phía các bác sĩ điều trị ung thư. Chính vì vậy ở Anh và Mỹ, việc giải thích và hướng dẫn cho tất cả bệnh nhân về tạo hình vú trước khi điều trị ung thư là bắt buộc với các nhân viên y tế. 

Những người có nhu cầu tạo hình vú thường có những biểu hiện thay đổi về tâm sinh lý như sợ hãi hay trầm uất ngay sau khi cắt bỏ vú. Những triệu chứng này hầu như không còn sau khi phẫu thuật tạo hình vú. Nói chung việc quyết định phẫu thuật tạo hình vú hoàn toàn không dễ dàng và đơn giản với những phụ nữ đã bị cắt bỏ vú, đặc biệt những người vừa được chẩn đoán là ung thư vú. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật tạo hình sẽ được tiến hành sau khi có sự trao đổi giữa bệnh nhân có nguyện vọng và thầy thuốc điều trị.

Việc phẫu thuật tạo hình vú có thể thực hiện cùng lúc với phẫu thuật cắt bỏ vú hay một thời gian sau phẫu thuật cắt bỏ vú, thời gian này có thể từ một đến nhiều năm. Có hai kiểu tạo hình vú sau ung thư: không phẫu thuật và phẫu thuật. Đối với loại không phẫu thuật, bệnh nhân chỉ cần đeo vú giả bằng silicon cũng có thể tạo được sự cân đối của bộ ngực khi mặc áo. Đây là phương pháp đơn giản, dễ được nhiều người chấp nhận và rất hiệu quả với những người không muốn chịu thêm một vài lần phẫu thuật nữa. Tuy nhiên đây không phải là phương pháp tối ưu với những người trẻ, hoặc những nữ vận động viên bơi lội.

Các cách tạo hình vú

Phẫu thuật tạo hình ngực chủ yếu có hai cách: sử dụng túi độn ngực hoặc sử dụng chính một phần cơ thể của bệnh nhân để tạo ra hình dạng một bầu vú mới. Dùng túi độn ngực bằng silicon y học là một kỹ thuật phổ biến và chiếm tỷ lệ khoảng 40-60% các loại phẫu thuật tạo hình ngực. Túi độn ngực được đặt dưới da của vùng vú đã cắt bỏ. Ưu điểm của kỹ thuật này là tương đối đơn giản và thời gian phẫu thuật ngắn, không phải chịu thêm nhiều đường sẹo trên cơ thể. Nhược điểm chính là không thể áp dụng cho trường hợp vùng da ngực đã chiếu xạ và thể tích vú mới không lớn.

Phương pháp phẫu thuật tạo hình khác là một phần cơ thể của bệnh nhân (chủ yếu là da, mỡ và cơ) được sử dụng cho tạo hình vú mới, còn gọi là phương pháp tạo hình vú bằng vạt tổ chức. Hai vị trí thông dụng trên cơ thể cho tổ chức tạo hình là lưng và bụng dưới. 

Vạt tổ chức lấy từ lưng được gọi là vạt da cơ lưng rộng. Vạt này được lấy từ lưng và chuyển ra phía trước ngực để tạo ra bầu vú. Với phương pháp này vú mới sẽ có thể tích không lớn và để lại một đường sẹo dài ở sau lưng, thích hợp với người trẻ và không béo. Vú có thể làm to hơn nếu đặt thêm một túi độn ngực ở bên dưới vạt này. 

Vị trí thứ hai để tạo hình vú là vùng bụng dưới. Phần lớn phụ nữ lớn tuổi đều có bụng dưới to và đủ mỡ để tạo vú mới. Vạt tổ chức lấy từ bụng dưới gọi là vạt da cơ thẳng bụng, vạt này được chuyển lên trên ngực và được cuộn lại theo hình vú. Phương pháp này phức tạp nhất và thời gian phẫu thuật kéo dài, nhưng có thể tạo được hình dạng vú theo yêu cầu với thể tích lớn, rất thích hợp với những người có vú to. Nhược điểm chính là nguy cơ thoát vị bụng khá cao sau khi một phần thành bụng được dùng vào việc tạo hình vú. Hiện nay với những tiến bộ của vi phẫu, da và mỡ của bụng dưới có thể được cấy ghép mà không cần đến cơ phía dưới.

Bước sau cùng của các loại phẫu thuật kể trên là tạo lại quầng và núm vú trên bầu vú mới. Tuy vậy, bước này nhiều khi không cần thiết với một số người chỉ quan tâm đến thể tích bầu vú mới tạo thành.


PGS.TS. Trần Thiết Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét