26/6/13

Siêu mài mòn, laser không thể xóa mờ sẹo

Một phụ nữ đang ứng dụng liệu pháp siêu mài mòn. 
Giadinh.net - Nhiều chị em sau khi sinh bằng phương pháp mổ đẻ, đã tìm đến các cơ sở thẩm mỹ để mong xoá mờ vết sẹo bằng kỹ thuật siêu mài mòn hoặc laser với chi phí vài triệu đồng, nhưng chỉ sau một thời gian, vết sẹo còn lồi hơn. Để xóa mờ sẹo, cách duy nhất là cắt bỏ sẹo rồi khâu lại hoặc ghép da, G.S-T.S Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Quân y 103, khẳng định. 





Theo G.S-T.S Đặng Ngọc Hùng, không chỉ phụ nữ sau sinh bằng phương pháp mổ đẻ có nhu cầu xoá sẹo,  nhiều bệnh nhân nữ mổ bướu cổ cường tuyến giáp (còn được gọi là Bazedo) cũng có nhu cầu xoá sẹo vì vết sẹo ở ngay trên ức. Tuy nhiên, G.S-T.S Hùng cũng đã khuyên các bệnh nhân này nên trở lại viện để phẫu thuật lại vết mổ bằng cách cắt bỏ sẹo, sau đó khâu thẩm mỹ lại (sau khi vết sẹo đã ổn định). Khi đó, vết sẹo sẽ nhỏ và mờ hơn rất nhiều so với vết sẹo ban đầu.

Siêu mài mòn có thể khiến da bị thâm nám 

Không chỉ bệnh nhân đã đụng chạm dao kéo muốn được phẫu thuật xoá sẹo, nhiều cô gái bị sẹo do sơ sểnh ngày bé cũng muốn xoá mờ sẹo để mặc được váy ngắn, tay trần. Hiện nay, hầu hết các thẩm mỹ viện đều quảng cáo có thể xoá mờ sẹo bằng phương pháp siêu mài mòn, hoặc điều trị mờ sẹo bằng tia laser. Bệnh nhân sẽ phải tới cơ sở thẩm mỹ nhiều lần để mài da, mỗi lần mài một ít, cho đến khi vết sẹo phẳng ra, không còn nhăn nhúm, thâm đen  như trước nữa. 

Tuy nhiên,T.S Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ bệnh viện Xanh Pôn cảnh báo: Khoảng 30%  những người chữa sẹo bằng phương pháp mài mòn da bị sẹo lồi sau đó. Bởi sau khi mài da, chỗ sẹo bị mất lớp biểu bì, các mô cơ phía dưới sẽ phát triển lồi lên vì không còn được kiểm soát. Ngoài ra, vùng da này sẽ còn có thể bị thâm nám. Các biện pháp mài da và đốt bằng laser đều không xoá được sẹo mà chỉ làm giảm đi thuộc tính của nó là đỡ lồi mà thôi”. 

Xoá hình xăm dễ để lại sẹo

Theo thống kê của khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu TP HCM, mỗi ngày có gần 10 bệnh nhân đến viện có nhu cầu xoá hình xăm trên cơ thể. Bác sĩ Đặng Hoàng Anh, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết việc xoá hình xăm không hề đơn giản và có nguy cơ để lại sẹo. Mặc dù một số bệnh viện đã áp dụng các phương pháp hiện đại để xóa hình xăm  như chiếu laser, ghép da, nhưng việc điều trị vẫn không dễ dàng, nhiều trường hợp không có kết quả.

Với phương pháp ghép da, có thể xóa hình xăm cho bệnh nhân mà không để lại sẹo bằng cách lột vùng da xăm rồi thay da vùng khác của chính bệnh nhân vào. Nhưng kỹ thuật này chỉ được áp dụng cho những hình xăm có diện tích tối đa bằng bàn tay. Với những hình lớn hơn, hoặc những vị trí phức tạp như đầu, mặt, cổ, cánh tay, bác sĩ không dám mổ vì không thể lột hết vùng da quá rộng, hơn nữa bệnh nhân cũng không đủ da để ghép.

Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt có thể áp dụng phương pháp giãn da bằng cách đặt một túi nước dưới da bên cạnh vết sẹo, sau đó bơm nước vào dần dần. Sau đó, da ở khu vực này sẽ phát triển giãn ra cho đến khi đủ ghép. Hiện nay, việc xoá hình xăm tại các bệnh viện vẫn đang được áp dụng bằng công nghệ chiếu laser CO2, biện pháp này sẽ để lại sẹo do da bị cháy trong quá trình chiếu tia. Có một biện pháp xoá hình xăm không để lại sẹo gần đây được Bệnh viện Da liễu TP. HCM áp dụng là biện pháp chiếu tia laser Nd-YAG. Nhưng khi điều trị, bệnh nhân sẽ phải đi lại rất nhiều lần và phải chịu đau đớn trong quá trình thực hiện.

Cũng theo bác sĩ Hoàng Anh, chi phí để xoá một hình xăm rất đắt. Mức giá này sẽ phụ thuộc vào diện tích hình xăm (được tính bằng cm) và độ sâu cũng như loại màu được sử dụng trong khi xăm. Thông thường, muốn xoá 10cm chiều dài đường xăm, bệnh nhân sẽ phải trả khoảng 200.000đ.


Phương Lan
Gia   đình.  net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét