9/12/13

Làm đẹp từ tế bào gốc: Trò lừa đảo

Petrotimes Phần lớn khách hàng hiện bị lừa đảo một cách “ngoạn mục” trước những sản phẩm và công nghệ được gắn thêm một thuật ngữ rất chuyên môn và rất hiện đại là… tế bào gốc.








Làm đẹp đang dần trở thành nhu cầu của mỗi người, nhất là với chị em phụ nữ. Nhưng trào lưu bộc phát này lại dựa trên thói quen “truyền khẩu” thiếu hiểu biết vô hình chung đã làm cho nảy sinh mặt trái của thị trường đáp ứng. Mặt trái này là lợi dụng thuật ngữ chuyên ngành hiện đại, công nghệ hiện đại còn đang ở giai đoạn nghiên cứu và hình thành để lừa đảo khách hàng. Làm đẹp từ tế bào gốc và các sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc từ tế bào gốc là một ví dụ.

Tiền mất tật mang

Vừa đây, Khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một trường hợp bị dị ứng nặng đến nỗi da mặt bị sưng tấy, chảy dịch và mủ, nhất là vùng mũi và môi trên. Theo trình bày của bệnh nhân, sau vài lần sử dụng loại kem được quảng cáo có nguồn gốc từ tế bào gốc thì da mặt chị lúc đầu là ửng đỏ, đau rát và ngứa. Sau đó thì nặng lên như vậy. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hà, chuyên khoa thẩm mỹ cho biết, biểu hiện của bệnh nhân trên cho thấy chị bị nhiễm trùng nặng ngoài da, nếu không điều trị đến nơi đến chốn, khả năng bị viêm não hoặc màng não cao.

Không chỉ bệnh nhân trên đây mà nhiều bệnh nhân khác cũng bị biến chứng như vậy sau khi sử dụng mỹ phẩm. Bệnh viện Da Liễu Hà Nội cũng là nơi điều trị những bệnh nhân đó và trong thời gian gần đây, mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng chỉ biết số bệnh nhân bị biến chứng do sử dụng mỹ phẩm ngày một tăng lên đáng kể. Bệnh nhân Nguyễn Hồng Hải, ở đường Bưởi, quận Tây Hồ là một ví dụ. Đã hơn một năm nay, chị chạy đôn đáo điều trị khắp nơi từ bệnh viện bé đến bệnh viện lớn, từ bệnh viện đa khoa đến chuyên khoa… nhưng làn da vốn sáng sủa, “mướt” như da… em bé ngày nào của chị giờ đã trở nên sạm đen, sần sùi vẫn không thể nào khá hơn được.

Chị kể, chỉ vì nghe quảng cáo “bùi tai” mà chị đã bỏ ra mấy chục triệu để mua bộ sản phẩm dưỡng da được chiết xuất từ… tế bào gốc của một cửa hàng làm đẹp nằm gần chợ Hàng Da. Nhưng dùng chưa hết sản phẩm, da của chị thay vì “sáng đẹp không tỳ vết” lại rám đen hết cả mặt, đến nỗi mỗi lần ra đường chị phải buộc khăn che kín. Có người có lần thấy vậy, đã gọi chị là… Bao Công lại càng khiến chị buồn phiền, xót xa vì đã bỏ số tiền lớn ra mua sản phẩm.

Một lần vì tiếc của, tiếc cả làn da trắng sáng không dễ gì ai cũng có được lúc ban đầu, chị đã mang bộ sản phẩm đến cửa hàng, nơi đã bán để “bắt đền”. Nhưng đến nơi, không những không bắt đền được mà chị còn bị chủ mắng té tát vì: “Dại thì… chết!”. Chị đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” quay về rồi tìm mọi cách chữa trị. Nhưng số tiền bỏ ra để chữa trị đã gấp mấy lần tiền bộ sản phẩm mà làn da của chị vẫn không trở về như cũ, ngược lại, ngày càng “thảm họa” hơn. Chị đau đớn nhận ra rằng: “Chỉ vì không tìm hiểu kỹ trước khi mua sản phẩm mà tiền mất tật mang! Lại tốn bao nhiêu công sức nữa”.

100% là lừa đảo

Như đã nói ở trên, người Việt có một thói quen rất “lợi bất cập hại” ấy là “mách nhau” sử dụng thuốc, mỹ phẩm hay bất kể điều trị gì theo kiểu “mẹo”, thuốc “vườn”… Thói quen này đã dẫn đến không ít… tai họa trong y tế làm cho không những người sử dụng vừa tốn công, vừa tốn của còn phương hại đến sức khỏe. TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn, TS Nguyễn Thị Lai, chuyên khoa da liễu, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô cũng có chung nhận định như vậy.

Theo TS Trần Thiết Sơn: Đây là cách không còn phù hợp với xã hội hiện tại khi mà nhiều cơ sở làm đẹp ra đời chỉ đặt lợi nhuận lên đầu chứ không vì chất lượng cuộc sống của con người. Đồng thời y học hiện nay phát triển vượt bậc ở nhiều lĩnh vực nhưng có những lĩnh vực còn đang ở giai đoạn nghiên cứu, tìm hiểu cho nên khi sử dụng phương pháp nào để làm đẹp hoặc để điều trị phải phải hiểu biết rõ nếu không sẽ bị mắc mưu “lập lờ đánh lận con đen”, thậm chí trở thành “chuột bạch” cho những người trục lợi.

Cũng lợi dụng thói quen tiêu dùng “truyền khẩu” mà phần lớn khách hàng hiện bị lừa đảo một cách “ngoạn mục” trước những sản phẩm và công nghệ được gắn thêm một thuật ngữ rất chuyên môn và rất hiện đại là… tế bào gốc. Thực tế làm đẹp bằng tế bào gốc là gì? Là: lấy tế bào gốc để tiêm hoặc “cấy” vào cơ thể để làm trẻ hóa. Nhưng tế bào gốc ấy phải được lấy từ chính người làm đẹp mà phải lấy được ở cuống rốn hoặc ở nhau thai thì mới hiệu quả do có nguồn gốc “tự thân” và tương thích. Còn khi đã trưởng thành, lấy tế bào gốc rất khó hay làm đẹp bằng tế bào gốc của người khác càng khó nữa.

Do đó, việc làm đẹp từ tế bào gốc không hề đơn giản. Chưa nói đến rủi ro của việc làm đẹp từ tế bào gốc khiến lây lan những bệnh truyền nhiễm rất cao. Cũng chính vì vậy mà Bộ Y tế cấm sử dụng hệ cơ quan của con người (động vật) để sản xuất mỹ phẩm, ứng dụng để làm đẹp. (Hiện ứng dụng tế bào gốc chỉ được thực hiện trong điều trị bệnh). Hiệp định Mỹ phẩm ASEAN cũng ra lệnh cấm như vậy. Đồng thời đối với những mỹ phẩm có nguồn gốc từ tế bào gốc không được cấp phép để lưu hành. Cho nên những gì được gắn mác “tế bào gốc” hiện có trên thị trường là 100% lừa đảo và những người kinh doanh sản phẩm ấy là gian dối, vi phạm pháp luật…

Để giúp người tiêu dùng không bị lừa đảo và hiểu rõ quy định của cơ quan quản lý, Bộ Y tế khuyến cáo một lần nữa:

Hiện nay, Bộ Y tế không cấp phép cho bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào có nguồn gốc từ tế bào gốc. Lý do là các công ty không cung cấp được tài liệu khoa học chứng minh được thành phần, công dụng và tính an toàn trong việc đưa dưỡng chất tế bào gốc vào mỹ phẩm.


Bức tranh tổng thể về nghiên cứu tế bào gốc trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay:

Công nghệ tế bào gốc là sự phát hiện, phân lập và duy trì tế bào gốc để chế tạo các sản phẩm từ tế bào gốc nhằm tăng sinh số lượng và biệt hóa tế bào gốc, tạo mô, cơ quan từ tế bào gốc và việc ứng dụng tế bào gốc, sản phẩm của nó vào các mục đích khác nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu tế bào gốc rất phức tạp do hoạt động nghiên cứu đa ngành, đa dạng, sản phẩm làm ra cũng rất phong phú, lại tác động, ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội, trong đó có những mặt trái (nhân bản vô tính) nên nghiên cứu tế bào gốc vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các cơ quan, người nghiên cứu. Nếu nền tảng công nghệ thấp thì công tác nghiên cứu này còn thách thức nữa. Vì vậy, trách nhiệm của các nhà quản lý hiện nay là bên cạnh cập nhật kiến thức tiến bộ, phải phát hiện ra những mặt trái để sao cho khoa học công nghệ vừa phát triển, giúp người dân thụ hưởng thành tựu khoa học vừa bảo đảm ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong khuôn khổ pháp luật.
Nguyễn Nguyên (Petrotimes_

(PGS.TS Lê Văn Đông, Phó chủ nhiệm bộ môn Miễn dịch, Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng, Ủy viên thư ký Ban Điều phối chương trình nghiên cứu tế bào gốc, Bộ Khoa học - Công nghệ) 





Nguyễn Nguyên 
Petrotimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét