Kip phẫu thuật tại BV Việt Tiệp. |
Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng. Biến chứng đáng lo ngại nhất là tắc mạch máu và hoại tử vạt da. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tức là 3 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, vạt da ghép đã sống.
Đặng Ngọc Long là nạn nhân duy nhất còn sống trong một vụ thảm
sát diễn ra năm 2005. Thủ phạm đã cướp đi mạng sống 3 người thân của Long, còn
Long bị chày giã cua đập vào đầu làm vỡ vụn một vùng xương sọ. Long phải chung sống với tình trạng khuyết một vùng da đầu
và hộp sọ, màng cứng não bị lộ, gây khó khăn trong sinh hoạt và nguy cơ viêm màng não cao. Do ảnh hưởng của tổn thương, Long bị kích thích hoang tưởng và yếu vận
động chân tay.
Năm 2013, Long được gia đình đưa đi phẫu thuật ghép mảnh
hộp sọ nhưng thất bại. Khi được chuyển vào Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Việt-Tiệp,
vùng tổn thương đã hoại tử. Các
bác sĩ đã phẫu thuật làm sạch vùng nhiễm trùng, loại bỏ mảnh sọ ghép cho bệnh
nhân. Vấn đề khó khăn nhất là làm thế nào ghép được da vào vùng bị khuyết vì tổn thương rất lớn, da đầu ở vùng tổn thương lại bị xơ. Nếu tiến hành ghép mảnh xương vào vùng khuyết mà không có lớp da che phủ, mảnh xương ghép sẽ bị đào thải.
Giải pháp tối ưu trong trường hợp này là dùng kỹ thuật vi phẫu ghép phần da có cuống mạch máu lấy từ đùi lên da đầu. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Việt-Tiệp thực hiện kỹ thuật này. Sau thành công nói trên, Bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai kỹ thuật vi phẫu nối mạch máu trong điều trị tạo hình khuyết hỏng phần mềm do bỏng điện, nối liền chi đứt dời…
Kỹ thuật vi phẫu nối mạch máu đã được triển khai tại một số bệnh viện ở Hà Nội như Viện bỏng Quốc gia, Bệnh viện Việt-Đức, Bệnh viện Xanh Pôn. Tuy nhiên, tại các tỉnh, thành phố khác ở khu vực phía Bắc, chưa bệnh viện nào ứng dụng được kỹ thuật này.
Theo Minh Thu
TTXVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét