16/3/14

Phẫu thuật nhân đạo tại BV Xanh Pôn - cơ hội cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ

VTV1 - Tuần qua, nhiều bệnh nhân bỏng bị di chứng phức tạp đã có cơ hội khắc phục tối đa dị tật, trở về cuộc sống bình thường. Đó là nhờ việc chuyển giao kỹ thuật của đoàn chuyên gia Hoa Kỳ cho các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình BV Xanh Pôn Hà Nội, đặc biệt là phẫu thuật chuyển ngón chân lên làm ngón tay cái. Qua lần hợp tác này, chính các chuyên gia nước ngoài lại học hỏi được từ đội ngũ bác sĩ Việt Nam kỹ thuật vi phẫu tích. Đây là một kỹ thuật tiên tiến mới có ba nước làm được đó là Anh, Nhật và Việt Nam.


Chuyển ngón chân lên làm ngón tay cái là một kỹ thuật phức tạp đòi hỏi phẫu thuật viên phải có tay nghề cao, và sự phối hợp nhuần nhuyễn của cả kíp mổ. Khó khăn nhất là việc nối các mạch máu và tuần hoàn thần kinh trên đầu ngón chân của bệnh nhân, để sau đó ngón chân có thể thực hiện được chức năng vận động như ngón tay cái.

Bác sĩ Alex Species, thành viên của đoàn chuyên gia Hoa Kỳ, chia sẻ: “Trong lần hợp tác với Trường Đại học Y lần này, chúng tôi chuyển giao hai kỹ thuật tạo hình là chuyển ngón chân lên bàn tay và chuyển ngón tay thứ hai hoặc ba thành ngón tay cái. Điều đặc biệt lưu ý là việc ghép gân và nối mạch máu. Thực tế, tôi thấy các bác sỹ phẫu thuật Việt Nam có tay nghề chuyên sâu, có thể sánh ngang tầm khu vực và thế giới”.

Bác sĩ Alex Species.

Khoảng năm ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được xuất viện và luyện tập phục hồi ngón tay cái.

Lần hợp tác này là dịp để các bác sĩ phẫu thuật tạo hình Việt Nam học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật vi phẫu chuyển ngón, nhưng cũng lại là cơ hội cho các chuyên gia nước ngoài học hỏi kỹ thuật vi phẫu tích từ chính các chuyên gia tạo hình của Việt Nam. Tự hào là một trong ba nước trên thế giới thực hiện kỹ thuật vi phẫu tích, đội ngũ tạo hình của nước ta đã làm chủ và tự tin thực hiện kỹ thuật này từ vài năm nay.

PGS, TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình Đại học Y Hà Nội, giải thích: "Trong tạo hình thông thường, người ta chuyển vạt nối mạch vi phẫu để vạt có thể sống, rồi đợi một năm sau sẽ làm mỏng vạt. Tuy nhiên trong kỹ thuật này, chất lượng thẩm mỹ và chất lượng của vạt không được hoàn chỉnh, nhất là với các vùng ở mặt, có thể gây khó chịu cho bệnh nhân về mặt thẩm mỹ. Trong khi đó kỹ thuật vi phẫu tích vạt mạch xuyên có thể giải quyết ngay một lần cho bệnh nhân, giảm chi phí tốn kém, mang lại hiệu quả cao về thẩm mỹ. Các phẫu thuật viên làm mỏng vạt dưới kính hiển vi, bảo tồn hệ thống mạch máu trong vạt mà không làm ảnh hưởng tới sức sống của vạt, ngoài ra còn làm tăng khả năng sống của vạt khi chuyển đến vị trí mới".

Bác sĩ Trần Thiết Sơn

Kỹ thuật vi phẫu tích vạt mạch xuyên làm mỏng vạt có bảo tồn các mạch máu nhỏ nhờ xử dụng kính hiển vi phẫu thuật, với việc chia vạt thành các đơn vị nhỏ phù hợp với tạo hình bàn tay và các vùng khác trên cơ thể như đầu-mặt-cổ, bàn chân, đặc biệt là các tạo hình tổn khuyết lớn phức tạp mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao.

Theo dõi nội dung trên tại chuyên mục 'Thành tựu y tế' trong chương trình 'Cuộc sống thường ngày' của VTV1 phát sóng ngày 15/3/2014 tại đây: 




Theo VTV1



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét