17/7/17

Biến chứng tắc mạch do tiêm chất làm đầy

Tổn thương hoại tử cánh mũi sau tiêm. 
DrTTS - Ngày 13/2/2017, chị Phùng T. B. (17 tuổi, công nhân tại Móng Cái, Quảng Ninh) đến một Thẩm mỹ viện-Spa tại Hà Nội và được nhân viên ở đây giới thiệu tiêm chất làm đầy để nâng mũi với giá khoảng 3 triệu đồng. Việc tiêm được thực hiện ngay tại thẩm mỹ viện. Người tiêm cho chị B. tự nhận là y tá, có theo học một bác sỹ thẩm mỹ trong TP HCM. 




Chị B. được tiêm 3 mũi chất làm đầy, được quảng cáo là có nguồn gốc từ Hàn Quốc, dọc theo sống mũi. Ngay sau khi tiêm, chị thấy xuất hiện một đường trắng từ gốc mũi chạy lên trên trán. Vệt trắng này không lâu chuyển sang mầu đỏ tím kết hợp với tình trạng đau rát vùng mũi. Sang ngày thứ 2 sau khi tiêm, vết bầm tím dần dần lan xuống dưới và bao trùm toàn bộ đầu mũi, xuất hiện hoại tử cánh mũi trái và các bọng nước ở tháp mũi và đầu mũi.


Đây không phải lần đầu tiên tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xảy ra các biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy, đặc biệt là các chất làm đầy không rõ nguồn gốc và rẻ tiền. Truyền thông trong nước đã cảnh báo nhiều trường hợp tai biến sau khi tiêm chất làm đầy ở các Thẩm mỹ viện - Spa. 

Tại Hà Nội, tháng 7/2016, một bệnh nhân nữ 23 tuổi đã bị nhiễm trùng, sưng và hoại tử toàn bộ môi dưới sau khi tiêm chất làm đầy. Tại TP Hồ Chí Minh, tháng 12/2016, một bệnh nhân nữ 22 tuổi bị thuyên tắc động mạch não trái và động mạch mắt trái sau khi tiêm chất làm đầy, bệnh nhân bị liệt nhẹ nửa người phải và mù mắt phải.

Các biến chứng do tiêm chất làm đầy 

Các chất làm đầy (fillers) là tập hợp nhiều chất có nguồn gốc khác nhau, dùng để tăng thể tích mô của một bộ phận cơ thể với mục đích thẩm mỹ. Paraffin, Silicone lỏng là những chất làm đầy đầu tiên được sử dụng từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỹ 20. Do tính chất nguy hiểm khi tiêm vào người mà những chất này đã bị cấm hoàn toàn. 

Các chế phẩm (như Restylane, Juvéderm….) có cấu tạo từ Axit Hyaluronic, một thành phần nằm trong da con người, là những chất làm đầy được phép sử dụng trên người cho mục đích thẩm mỹ. Tuy những chất này đã nhận được sự đảm bảo an toàn từ phía các nhà sản xuất, đôi khi vẫn xảy ra các biến chứng ngoài mong muốn, từ nhẹ đến nặng, nếu tiêm những chất này vào cơ thể. Đặc biệt biến chứng thường hay xảy ra khi được thực hiện bởi những người không có chuyên môn. 

Các biến chứng nhẹ bao gồm dị ứng, sưng tấy, phù nề, tụ máu và cảm giác khó chịu. Các biến chứng nặng bao gồm nhiễm trùng, tạo u hạt và tắc mạch. Trong số các biến chứng nêu trên, tắc mạch thuộc loại nặng nề và nguy hiểm nhất. 

Tắc mạch có thể xảy ra ở bất cứ động mạch nào trên mặt, nếu chất làm đầy được tiêm vào lòng mạch. Hậu quả của nó là hoại tử vùng da dọc theo đường đi của động mạch. Các động mạch ở trán, má, môi và mắt dễ bị tổn thương nhất. Hoại tử không hồi phục ở các vùng môi, mũi, má, thậm chí mù mắt hoặc nhồi máu não là những biến chứng đã được cảnh báo.

Tại sao các biến chứng do tiêm chất làm đầy thường xảy ra ở Việt Nam? 

Tại Việt Nam, hiện chỉ một số ít các chất làm đầy được cấp phép của Bộ Y tế để sử dụng trên lâm sàng, như Restylane, Juvéderm. Tuy nhiên, trên thực tế, danh mục các chất được gọi là chất làm đầy được sử dụng không dừng ở đó. Bên cạnh silicone lỏng, một loạt các chất làm đầy từ Trung Quốc, Hàn Quốc… chưa được cấp phép sử dụng cũng được dùng ồ ạt cho bệnh nhân, do giá thành rẻ hơn gấp 3-4 lần so với các chất làm đầy hợp pháp. Nguy hiểm nhất là silicone lỏng được sử dụng trá hình dưới các tên là chất làm đầy hay mỡ nhân tạo. Sử dụng chất này chắc chắn đưa đến nguy hiểm vĩnh viễn cho khách hàng.

Việc tiêm các chất làm đầy tại các cơ sở Spa không được phép vẫn diễn ra sôi động, bất chấp mọi quy định của Bộ Y tế. Các thợ làm đầu, làm móng tay, nhân viên Spa được hướng dẫn bởi các bác sỹ hành nghề bất hợp pháp, đều có thể thực hiện việc tiêm ngay tại cơ sở của mình, trong những điều kiện không đảm bảo vệ sinh.

Các quảng cáo về kết quả siêu tưởng từ tiêm chất làm đầy được rao giảng tại hầu hết các cơ sở Spa không hề vấp phải sự kiểm soát của các cơ quan quản lý. Kết quả là một lượng lớn khách hàng có thể bị lôi cuốn bởi những cơ sở quảng cáo mạnh mẽ nhất. 

Khách hàng cũng có lỗi khi chưa tự trang bị cho mình những hiểu biết cần thiết về dịch vụ mình cần, ham rẻ và bất cẩn mà phó mặc sinh mạng mình cho những người không có chuyên môn.

Cũng không thể không nhắc tới một nguyên nhân nữa của tình trạng gia tăng các biến chứng do chất làm đầy, đó là sự lơi lỏng của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát các công ty phân phối chất làm đầy. Kết quả là các công ty này, do sức ép lợi nhuận, có thể bán sản phẩm cho bất cứ ai có yêu cầu, không cần biết người đó có phải là bác sỹ hay không.


BS Trần Thiết Sơn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét