16/7/17

Phẫu thuật thẩm mỹ: các sắc thái tâm lý

DrTTS - Phẫu thuật thẩm mỹ không phải lúc nào cũng là chiếc đũa thần để biến một người bị coi là 'vịt' trở thành 'thiên nga'. Bên cạnh các yếu tố quan trọng như tay nghề của phẫu thuật viên, sự lựa chọn kỹ thuật đúng đắn và cơ sở vật chất tốt, thì những hiểu biết về tâm lý của bệnh nhân (khách hàng) cũng góp phần tạo ra một kết quả phẫu thuật hoàn chỉnh. 






Phẫu thuật thẩm mỹ có lịch sử hơn 2 thế kỷ với những phẫu thuật đầu tiên liên quan tới bệnh lý của vú. Đến những năm 30 của thế kỷ trước, phẫu thuật thẩm mỹ đã trở thành một chuyên ngành riêng biệt tại Pháp. Sự phát triển của truyền thông trong thời kỳ xã hội phát triển, nhận thức rõ nét về vai trò của hình thức cá thể trong quan hệ xã hội và những bước tiến đáng kinh ngạc của  công nghệ trong phẫu thuật thẩm mỹ là những lý do chính khiến ngày càng nhiều người tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ. Nói cho cùng, phẫu thuật thẩm mỹ cũng chỉ đáp ứng hai nhu cầu lớn của con người trong xã hội đương đại: sửa chữa hay hoàn thiện những khiếm khuyết về diện mạo bên ngoài cơ thể và xoá bỏ các dấu ấn của quá trình lão hoá. 

Những hiểu biết về tâm lý của bệnh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một kết quả phẫu thuật hoàn chỉnh. Ở các nước tiên tiến, phẫu thuật viên Tạo hình Thẩm mỹ thường được qua các khoá đào tạo về tâm lý của bệnh nhân mổ thẩm mỹ. Điều này giúp Phẫu thuật viên lựa chọn chính xác những ứng viên thích hợp để phẫu thuật, tránh những diễn biến bất lợi về tâm lý xảy ra sau phẫu thuật thẩm mỹ. Vấn đề tâm lý trong phẫu thuật thẩm mỹ được nhìn nhận dưới các góc độ khác nhau, từ yếu tố bên trong con người đến các yếu tố xã hội bên ngoài như tập tục văn hoá, kinh tế và truyền thông…

Các yếu tố bên trong 

1. Nhóm bệnh nhân có yếu tố tâm lý thuận lợi 

Những người có yếu tố tâm lý thuận lợi cho phẫu thuật thẩm mỹ là những người ý thức được lý do mình cần đến Phẫu thuật thẩm mỹ và những giới hạn về mặt thể chất và tinh thần mà phẫu thuật thẩm mỹ có thể đem lại cho bản thân. Cuối cùng, họ hiểu rõ Phẫu thuật thẩm mỹ sẽ cải thiện hay thay đổi điều gì trong cuộc đời của họ. Họ hiểu rằng phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ dừng lại ở việc thay đổi diện mạo bên ngoài của cá nhân, mà còn góp phần củng cố những nhân cách tích cực của họ trong một môi trường mới. 



Nhóm này bao gồm những người có khiếm khuyết hình thể bên ngoài xuất hiện từ nhỏ hay do tuổi tác gây ra, những người phải xuất hiện nhiều trên truyền thông, những người muốn thay đổi công việc hay chuyển sang nghề nghiệp mới… 

Những người được coi là nhóm “hậu khủng hoảng” cũng có thái độ tích cực với phẫu thuật thẩm mỹ. Họ là những người vừa trải qua những mất mát đau đớn của cuộc đời như ly dị, bị bỏ rơi, mất người thân… và tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ như một cách thức làm đau đớn cơ thể mình, nhằm làm dịu đi nỗi đau trước đó. Những người này ít khi đòi hỏi sự hoàn thiện của phẫu thuật thẩm mỹ và họ dễ dàng chấp nhận ngay cả khi kết quả phẫu thuật không mỹ mãn.

2. Nhóm bệnh nhân có yếu tố tâm lý bất lợi  

Trái với nhóm trên, tồn tại một nhóm những người được coi là có các dạng tâm lý không ổn định hay không thuận lợi để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Đó là những người mất ổn định về tâm lý, có rối loạn nhân cách nặng, hay đơn giản là loạn tinh thần. 
Những người này thường không chấp nhận bất cứ kết quả phẫu thuật nào, dù tuyệt vời đến đâu, và luôn tìm nhiều lý do bất thường để gây áp lực với phẫu thuật viên. 

Một số người thuộc nhóm này thích tư vấn nhiều bác sỹ. Điều họ cần không phải là gặp gỡ những chuyên gia có thể chỉ cho họ biết cần làm gì. Mục đích duy nhất của họ là tìm được một vị bác sĩ có thể nói những điều họ muốn nghe. Những người này luôn nghĩ ra những bất thường không có thực của bản thân, và chỉ chấp nhận những bác sỹ có thể giải quyết nỗi ám ảnh của họ.



Các yếu tố bên ngoài  

1. Văn hóa và tập quán 

Văn hoá và tập quán cũng góp một phần quan trọng để định hình tâm lý trong phẫu thuật thẩm mỹ. Thường những người ở chủng tộc này lại có mong ước được những thuộc tính bề ngoài của chủng tộc khác. Người da vàng luôn tìm đến thẩm mỹ để cải thiện mầu da cho trắng hơn, phẫu thuật để có mũi cao hơn, mắt to hơn cho giống người da trắng. Người da đen thì mong muốn có mái tóc thẳng như người da trắng, trong khi người da trắng lại cần bộ da sẫm mầu như những người da mầu...


Trong khi mắt nhỏ, mũi tẹt, gò má cao được coi là những nét đẹp của phụ nữ châu Á tại cộng đồng người da trắng, những đặc điểm này lại không được coi là hoàn chỉnh trong cộng động người châu Á. Khi sống giữa cộng đồng người da trắng, một số người châu Á nhìn nhận các nét ngoại hình của mình như một ưu điểm, họ hiểu rõ quan điểm về cái đẹp của những người xung quanh. Một số khác lại không hài lòng với ngoại hình, họ tìm kiếm các loại phẫu thuật thẩm mỹ nhằm cải thiện những điểm đặc trưng của người châu Á. Điều này nhiều khi có thể trở thành thảm họa. Điển hình là trường hợp những người muốn thay đổi căn bản diện mạo của mình, để được giống những người khác chủng tộc. Họ muốn đoạn tuyệt với nguồn gốc của mình và trông chờ vào phẫu thuật thẩm mỹ để làm hài lòng những người xung quanh. Họ không hiểu rằng, phẫu thuật thẩm mỹ có thể đem lại những thay đổi về hình thức, nhưng ít khi mang lại những thay đổi về thể chất và tinh thần trong cuộc đời họ. 

Trong xã hội chúng ta tồn tại một quan điểm khá phổ biến cho rằng chỉ những người có điều kiện mới có thể đi làm phẫu thuật thẩm mỹ. Chính vì vậy, một số người người dù không đủ điều kiện kinh tế vẫn cố dành dụm tiền để có thể thực hiện một vài phẫu thuật trên khuôn mặt. Họ chấp nhận những phẫu thuật có giá rẻ. Nhóm người này luôn tìm đến những loại phẫu thuật để lại kết quả dễ nhận biết, và cố gắng thể hiện cho những người xung quanh biết về việc làm phẫu thuật thẩm mỹ của mình. 

Một số người khác lại có quan điểm ngược lại. Một mặt họ tin tưởng và trông chờ vào phẫu thuật thẩm mỹ, mặt khác họ lại không muốn người ngoài biết đến, bởi lẽ trong quan niệm sống của họ chỉ những người xấu mới phải đi làm phẫu thuật thẩm mỹ. Phẫu thuật thẩm mỹ là điều cấm kỵ trong ngôn ngữ của họ. Trong con mắt của các bác sĩ thẩm mỹ, đây là nhóm bệnh nhân đáng tin cậy nhất.

2. Truyền thông 

Truyền thông trong xã hội hiện đại là một trong những nhân tố làm rõ nét tâm lý của nhiều người. Các trào lưu trong điện ảnh, thời trang, mỹ phẩm mở đầu cho sự bùng nổ một cuộc cách mạng về phẫu thuật thẩm mỹ, điển hình như tại Brasil hay Hàn Quốc. Ở những nước mà khiếm khuyết về mặt thể hình mang tính bẩm sinh và khá phổ biến, nhiều người dễ dàng chấp nhận phẫu thuật thẩm mỹ như cách đương nhiên để hoàn thiện hình thể bộ mặt. Cả những người chấp nhận phẫu thuật và người thân của họ đều ý thức được kết quả của phẫu thuật mà họ sẽ trải qua, thậm chí chấp nhận cả những rủi ro có thể xảy ra sau phẫu thuật. 

Bên cạnh đó, truyền thông hoặc các quảng cáo của các thẩm mỹ viện lại đẩy nhiều người vào trạng thái tâm lý quá thái, khiến họ ảo tưởng và lý tưởng hóa phẫu thuật thẩm mỹ. Nhóm này muốn phẫu thuật thẩm mỹ đem lại cho mình diện mạo giống những thần tượng trong giới nghệ sỹ hay điện ảnh, hoặc giúp mình trẻ lại hàng chục tuổi. Họ có niềm tin rất lớn trước khi phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng thường tỏ ra thất vọng sau mỗi lần phẫu thuật vì thực tế và mong muốn luôn cách xa nhau. Sự chán chường thường dẫn tới hai tình trạng điển hình, hoặc là trầm uất kéo dài, hoặc là lại tiếp tục theo đuổi các phẫu thuật thẩm mỹ mới, không biết đến điểm dừng.  

Nói chung phụ nữ luôn là những người nhẹ dạ trên mọi phương tiện truyền thông, từ mạng xã hội đến phương thức truyền khẩu cổ điển. Nhiều người sẵn sàng làm mọi thứ chỉ đơn giản dựa vào quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ, các chương trình truyền hình thực tế hay những lời đồn đại trên facebook. Hoạt động tích cực của các nhân vật cò mồi cho các bác sỹ thiếu kinh nghiệm trên mạng xã hội vẫn tiếp tục lôi kéo được nhiều người, để cuối cùng đẩy họ vào sự thất vọng tràn trề về chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ đích thực.

Lời kết



Trong xã hội ngày nay, vẻ ngoài được đánh giá cao, đôi khi tới mức phải đánh đổi chất lượng cá tính. Không nghi ngờ rằng Phẫu thuật thẩm mỹ có thể thay đổi và cải thiện vẻ ngoài của chúng ta trước mọi người, nhưng nói cho cùng, hình ảnh của bản thân không nên được quyết định quá nhiều bởi người bên ngoài, chúng nên được quyết định bởi cách mà ta nhìn nhận chính bản thân mình.

BS Trần Thiết Sơn 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét