(An ninh Thế giới) - Gần đây Khoa Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ, nhập viện trong tình trạng sốt 40oC liên miên, toàn thân đau nhức, mỏi mệt. Theo trình bày của bệnh nhân, bà đã đến Phòng khám Đông Phương Cát Mỹ ở địa chỉ 206 Kim Mã để hút mỡ bụng, sau đó các bác sĩ ở đây dùng chính mỡ này bơm vào mặt nhằm làm căng da mặt của bà.
Hút mỡ bụng rồi bơm vào... mặt
Bác sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, nơi đã tiếp nhân bệnh nhân cho biết, theo lời kể của người bệnh, bà là người thích thú làm đẹp, say sưa với những "bí quyết"
trường xuân, sau khi nghe bạn bè giới thiệu, bà đã đến Phòng khám Chuyên khoa
giải phẫu thẩm mỹ Đông Phương Cát Mỹ, ở địa chỉ 206 Kim Mã, để nhờ can thiệp. Sau khi được tiếp đón bởi nữ chủ nhân là người Trung Quốc, bà đã được tư vấn: tiện "một công đôi việc" họ sẽ hút mỡ ở bụng
và dùng chính mỡ đó bơm vào mặt để vừa làm bụng phẳng như... con gái vừa làm cho
da mặt "mướt" như da em bé. Với phương pháp "tiên tiến" ấy,
hẳn nhiên giá tiền mà bà phải thanh toán cũng tương xứng - 2.000USD. Nhưng bà sẽ
được khuyến mại thêm 2 ngày nghỉ dưỡng tại cơ sở sau hậu phẫu.Thế là cuộc phẫu
thuật được tiến hành ngay ở phòng khám do một bác sĩ trẻ tuổi người Trung Quốc
thực hiện.
Theo lời kể của bệnh nhân, phương thức phẫu thuật khi ấy tại Đông Phương Cát Mỹ là bác sĩ dùng xơranh hút
mỡ ở bụng rồi tiêm nó vào hai mộng mắt và sống mũi của bà. Tuy nhiên, phẫu thuật
chỉ được một tuần, bụng phẳng, da mặt đẹp đâu không thấy, chỉ thấy bà liên tục
bị sốt cao tới 40oC, ngay cả khi đã uống thuốc hạ sốt. Bà lập tức quay trở lại
phòng khám, thông báo tình trạng sức khỏe cho những người có trách nhiệm ở đây.
Nhưng thay vì được chăm sóc, điều trị về y tế, bà lại chỉ được phục vụ ăn uống.
Còn khi nào sốt cao quá hoặc cơ thể đau nhức không chịu nổi, bà thông báo, họ mới
cho thuốc hạ sốt, giảm đau.
Cuối cùng sau gần 2 tháng chịu đựng, không thể kéo dài hơn, bà
quyết định vào khám tại Bệnh viện Xanh Pôn. Và bà đã được các bác sĩ ở đây chẩn
đoán sau khi tiến hành các xét nghiệm: bị nhiễm trùng máu do có trực khuẩn mủ
xanh. Khi chuyển sang Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp - Bệnh viện Bạch Mai, bà cũng
được chẩn đoán như vậy. Bác sĩ Trưởng khoa Nguyễn Thị Minh Hà cho biết thêm:
"Khi xét nghiệm máu, có bạch cầu tăng, chứng tỏ bệnh nhân đã bị nhiễm
trùng toàn thân. Chúng tôi đã điều trị kháng sinh liều cao, nhưng bệnh tình của
bệnh nhân không thuyên giảm".
Điều đáng nói trong vụ việc này là sau khi vào khám tại Bệnh
viện Xanh Pôn và Bạch Mai, bệnh nhân đã
thông báo cho Phòng khám Chuyên khoa Đông Phương Cát Mỹ, nhưng "trách nhiệm"
của họ đối với bà chỉ là... những tiếng tắt "phụt" máy điện thoại hoặc
những hồi chuông đổ không có người bắt máy mỗi khi bà bấm "di động" gọi
đến chủ phòng khám hay kể cả cô phiên dịch đã rất ngọt ngào khi thuyết phục bà
đến đây phẫu thuật, đúng là “tiền mất tật mang”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét