9/9/09

Chuyện ngựa Tái Ông


1. Chàng sinh ra ở cái xứ gần Phát Diệm, cậy cục mãi cũng thi đỗ vào trường y gần nhà sau ba lần lều chõng. Trong một gia đình có tám anh em, chàng may mắn nhất vì được tiếng là có học. Cách ly bấy năm trời chàng chẳng thể về nhà, một phần tủi vì nhà nghèo, phần khác hận vì mình học dốt, lúc nào cũng thi lại, mơ đến lúc ông này ông nọ cho cả họ dân làng kính nể. 








Học bẩy năm mới ra trường, rốt cuộc chúng nó phân chàng vào cái chuyên khoa khỉ gió, gây mê hồi sức, tèo nhất trong các loại chuyên khoa. Biết cái chuyên khoa này chỉ điếu đóm cho dân mổ xẻ, chàng buồn bực mà đành theo và nghĩ kế phục thù.






2. Ra trường với học lực trung bình kém, nhà chẳng khá giả gì, nên cũng khó kiếm việc làm ở một bệnh viện tỉnh. Thành phố nhỏ cũng chẳng dám mơ chứ nói gì đến thủ đô. Nằm chờ ở nhà đúng mười tháng, không thèm xin việc ở bệnh viện huyện ngay đối diện vì chê bệnh viện huyện nghèo và lắm ruồi. 

Chán quá theo lũ bạn đi buôn thuốc ở quanh thành phố. Nhân một hôm rảnh việc lũ bạn rủ đi chơi xa, làm quen được một em kém sáu tuổi. Dung nhan hạng trung mà tính tình cắm cẳn, nhưng được cái nhân thân rõ ràng. Cũng chỉ là cái cớ qua đường mà chơi, chẳng màng và chẳng tơ tưởng. 

Đột nhiên hai tuần có tin nhắn, cô bé có thai. Sợ cuống cuồng tìm cách giải quyết. Chạy cũng khó mà giải quyết cũng khó. Thằng bạn thân thì khuyên nhủ cưới đi, con giám đốc bệnh viện tỉnh, xin việc không khó. 

Thức ba đêm tính toán, rồi cũng nói thật với cha mẹ xin cưới, trước là có con dâu trưởng, sau là tìm được chỗ làm ở bệnh viện tỉnh. Hai tuần chàng toại nguyện với song hỉ, vừa cưói được vợ mà vừa có việc làm ở bệnh viện tỉnh.

3. Hai năm làm ở khoa gây mê hồi sức bệnh viện tỉnh, chẳng khá hơn gì về chuyên môn cũng như tài chính. Quê đồng bằng dân nghèo, mà bảo hiểm đầy ra nên chẳng kiếm chác được gì. Gia đình càng túng quẫn. Con chưa đầy năm ốm lên ốm xuống, vợ chẳng chịu đi làm. Một thân gánh vác cả một nhà đằng nội lẫn nhà mình. Nhiều lúc cáu bẳn, than thân nhìn mấy thằng bác sỹ ngoại khoa ngày nào cũng vài trăm nghìn bệnh nhân biếu mà thèm.

Mới đầu chưa dám ho he gì, sau biết cách vòi vĩnh bệnh nhân trước lúc mổ. Sau thấy dễ kiếm, tìm cách doạ dẫm bệnh nhân, khi thì dăm chục đồng, rồi lên trăm nghìn. Mà ở quê trăm nghìn đã sướng rồi. Lâu dần tính hoá kim ngấm vào máu, không mơi không chịu được. Cả bệnh nhân nghèo lẫn bệnh nhân giầu đều như nhau tuốt. 

Cái thói nghiện rồi khó bỏ, cứ làm càn. Một lần vô tình vòi vĩnh người nhà lãnh đạo sở y tế, bị bắt quả tang. Nhưng nể con rể giám đốc bệnh viện tỉnh mà cho qua. Nghỉ việc không lương một tháng. Đúng lúc trường y chiêu sinh nghiên cứu sinh, vội lấy quyết định mà đi học cho khuất mắt.




4. Cũng may có một tháng nghỉ không làm việc, chàng đỗ nghiên cứu sinh ở một trường danh giá nhất Việt nam. Của đáng tội, đã lâu chẳng ai chịu chui vào cái chuyên ngành gây mê hồi sức này nên chàng vừa đỗ vừa được chào đón như một anh hùng. Hơn nữa đứa con càng lớn càng chẳng giống mình, tức chí dứt tình quyết phen này lập nghiêp bằng chính khả năng của mình. 

Chàng lên học bốn năm ở Hà nội, nhưng thời gian học tính ra chỉ vỏn vẹn có 6 tháng, thời gian còn lại dành cho việc đi mổ dạo khắp mọi nơi ở đất đồng bằng này. Khi ở Hải phòng, lúc ở Nam định. Mục tiêu cuối cùng của chàng là có đủ tiền về Thủ đô. 

Bốn năm trời đủ dành tiền để làm tiến sỹ, nhưng cũng thời gian ấy chàng chỉ biết hơn bốn kỹ thuật trong gây mê so với hồi ở bệnh viện nhà. Từng ý tiền đủ để chàng bảo vệ tấm bằng tiến sỹ mà thừa hãnh diện với quê hương và gia đình. 

Đùng một cái, ông thầy hướng dẫn chính về hưu. Bơ vơ chưa biết bấu víu vào đâu, chàng đau khổ mà nghĩ thân phận mình đúng là ruồi. Đúng đợt ấy, trường y ra qui chế mới, cần cho tốt nghiệp gấp các nghiên cứu sinh quá hạn, chàng được đặc cách tốt nghiệp mà không một cản trở gì.




5. Lừng lẫy cả một vùng vì từ lâu lắm rồi chuyên khoa gây mê hồi sức ở tỉnh nhà không có tiến sỹ. Chàng được sức vẫy vùng. Từ lớn đến bế chàng thầu hết. Mà trước khi thầu, chàng đều có vài phút gặp người nhà bệnh nhân để giải bầy. Trước là giải thích chuyên môn, sau là gợi ý đóng góp của mình, mà cuối cùng là mơi tiền. Nhận tiền xong, chàng không quên dặn người nhà rằng đây là tự nguyện chứ không có ý gì khác. Ngậm đắng nuốt cay, phần vì sợ bác sỹ, phần vì lo tính mạng của người nhà, chẳng ai dám ho he gì.

Cũng từ đó chàng hãnh diện với bên nhà vợ, cho rằng cái của mình kiếm được còn nhiều và sạch hơn của bố vợ, ký một hợp đồng dược không bằng ông kiếm trong một tuần. Từ đấy sinh ra thói kiêu căng và coi thường bố vợ. Mua được mảnh đất gần đường cái, mặt phố chợ, chàng tủm tỉm mà nghĩ bố vợ 10 năm làm giám đốc không bằng mình làm hai năm tiến sỹ. Từ đấy không thèm đến chơi nhà bố vợ, cấm tiệt vợ con lai vãng nhà ông ngoại. Tức vì con rể láo, cuối năm giám đốc bệnh viện đổ bệnh mà nằm liệt giường. Giám đốc mới lên cho chàng về khoa hồi sức, nhân viên quèn.




6. Một lần du xuân, chàng làm quen với hẳn cán bộ tổ chức của bệnh viện trên Hà nội. Kể nỗi khổ và tâm huyết, chàng được hứa hẹn thuyên chuyển về Hà nội. Chết đuối vớ được cọc, chảng bán đứt căn nhà mặt đường, đuổi mẹ con về nhà ngoại, chạy vạy để được làm ở bệnh viện Hà nội. 
Với cái mác tiến sỹ, danh giá con rể cựu giám đốc bệnh viện tỉnh, một balô tiền từ việc bán nhà, chàng được vào làm ở một bệnh viện to ở Hà nội. 

Kinh nghiệm chuyên môn của bệnh viện tỉnh, thói quen của dân buôn thuốc, cách sống của dân đồng bằng, chàng chẳng mấy chốc chiếm lĩnh một góc oai vệ tại bệnh viện này. Gây mê cho người khoẻ, chẳng phải suy nghĩ. Gây mê cho trẻ con dễ ợt. Lân la trước lạ sau quen, bản tính chàng trỗi dậy như thủa hàn vi. 

Người bệnh khoẻ chàng tin chắc sẽ sống, bởi thế chẳng khi nào chàng quên việc chăm sóc người nhà bệnh nhân, gọi vào phòng riêng giải thích cặn kẽ từ đầu đến cuối cho họ hiểu. Người yếu chàng khôn hơn, đợi tỉnh và sống hẳn mới lân la. Cái việc giải thích cho người nhà chàng chú ý lắm. Nếu người nhà không hiểu chàng tận tình giải thích cho đến khi họ hiểu, giải thích tận cùng để họ biết công sức của mình. 

Có người chàng giải thích đến lần thứ tư, khổ cái người này chậm hiểu hết ý tứ của chàng. Tức quá chàng nói thẳng phong bì đâu, hoạ cho chàng, có thằng thanh niên đểu và chậm hiểu, xuỳ cho chàng cái phong bì không. Nó gãi đầu gãi tai bào bác sỹ hỏi phong bì nên sẵn có phong bì không tiền liền đưa ngay. Biết mình hớ, chàng hậm hực cả tuần.





7. Chàng có ý hay, trước đưa vợ con lên Hà nội, kể hoàn cảnh khó khăn không nhà cửa, ai cũng thương mà cho qua mọi chuyện. Nhà thuê 400k một tháng 20 mét vuông, ở cái góc xa tít mù khơi, ai dám không thông cảm cái việc vòi vĩnh. Cứ xem lại, các anh chị trong khoa gây mê nhà to nhà nhỏ, chưa tiến sỹ mà được vậy, tôi tiến sỹ phải chịu khổ sở thì cũng phải bỏ qua chứ. 

Hai năm làm việc ở bệnh viện, chàng thừa sức mua một căn hộ cao cấp ở Mỹ đình cho vợ con. Nhưng nghĩ lại, chàng quyết tâm để dành tiền cho công việc. Chẳng một ai trong khoa dám chọc tức chàng, phần vì kém chàng về học vị, phần vì ngại chàng trong quan hệ. 

Thói xấu lâu dần cũng quen, chàng được tiếng là người xông xáo trong chuyên môn, dám làm và dám vòi vĩnh. Thêm nữa có cái uy của giáo sư đầu ngành nâng đỡ nên chàng hết coi ai ra gì. Năm lần suýt làm con người ta chết, năm lần chàng lấp liếm được. Phần vì đồng nghiệp chuyên môn kém, hậm hực nhưng không giám khơi chuyện vì chuyên môn cũng như chàng, phần vì bệnh nhân chưa chết mà gây hậu quả nghiêm trọng, chàng tự tin vào cách mà chàng vẫn đang làm.




8. Hôm qua có con bé bị bệnh dị dạng mạch máu, chàng khám qua loa mà cho vào phòng mổ. Bọn phẫu thuật viên chắc cũng có phần của chúng nó, đương nhiên chàng cũng có phần của chàng. Như ở quê, chàng tiêm cho một mũi để nó khỏi quấy, bồi thêm một đống thuốc bốc hơi cho nó ngủ hẳn, rồi chàng ra tiếp cận với người nhà bệnh nhân. 

Giải thích một hồi về tính nghiêm trọng của cuộc can thiệp, cuối cùng chàng nhắc đến công sức của chàng, công sức được tính bằng phong bì. Hai trăm ngàn không làm chàng thoả mãn, biết đòi thêm không được, chàng quay về phòng riêng mà nghỉ, mặc cho con bé nửa tỉnh nửa mê sau phẫu thuật. 

Nghĩ rằng đã có nhân viên trông coi, chàng chẳng hơi sức đâu mà trông cái con bé hai trăng ngàn đó, không như những người khác. Khổ cho chàng, trong lúc chàng mơ màng nghĩ đến cái phong bì 500, con bé tím tái mà không ai phát hiện ra được. Y tá còn có đường y tá, chàng có đường của chàng. Loay hoay mất tiếng đồng hồ, con bé chẳng thấy khá hơn, chàng dồn tất cả trí tuệ của mình để tìm cách cho nó thở. 

Nớ thở hổn hển cũng là lúc chàng không còn gì để vãi nữa, chàng hiểu phen này chàng đi tong vì con bé này rồi. Đúng ngày xá tội vong nhân, sao mà mình dốt thế, kiếm ăn cũng phải tránh ngày này chứ, cứ thế chàng vặn vẹo tự trách cho số phận hẩm hiu của mình, kiếm đã khó mà toàn gặp rắc rối, mình đâu có dốt, tiến sỹ cơ mà.





9. Trong lúc hoảng loạn, chàng chợt nhớ đến khoa hồi sức, cũng may chỗ đó là con đường cứu nguy cuối cùng của chàng. Nằm một ngày con bé không khá hơn, lịm dần và đi vào hôn mê. Chàng thấy nhẹ nợ, may là bệnh viện có khoa hồi sức, gần chết tống vào đấy thì trách nhiệm cũng là của người khác, vặn vẹo chuyên môn hay thắc mắc của gia đình cũng là tội vạ của người khác. Mình vô lo. 

Ngặt một cái con bé trưởng khoa hồi sức cũng không vừa, biết thừa trình độ của chàng, nó nói nhỏ một câu làm chàng tím tái cả người. Hoá ra tưởng đẩy của nợ để thoát, hoá ra có đứa còn hiểu tận tường tim gan mình, nói một câu làm chàng chết lặng, sợ mai không thoát tù tội. Đêm về quẫn trí mà bỏ cơm, nốc hai bình rượu mà lấy sự bình an của ngày mai. 

Trong lúc gian nan, chàng tìm được một đồng minh đáng tin cậy. Vốn trưởng khoa chẳng mấy phục chàng, giờ thấy chàng hỏi ý kiến tận tình thì lấy làm thích thú. Ngặt một điều chẳng ai coi trưởng khoa ra gì về chuyên môn, giờ có thằng đích thân đến nhà nài nỷ lấy làm tâm đắc. 

Ngày hôm sau tuyên bố nhà mình chẳng có lỗi gì về chuyên môn. Chàng thở phào vì được tiếp sự tự tin. Tối đến vác một đống hoa quả xin gặp giáo sư đầu ngành. Ngày sau một tuyên bố chắc nịch, lỗi tại phẫu thuật viên, chàng hỉ hả phen này thoát tội vì chàng biết biến cái không hiểu biết của mình thành cái hiểu biết của người khác. Tối này chàng không cần uống rượu nữa.




10. Tin thảm từ bệnh viện trên báo về, con bé chết vì suy đa tạng. Chàng chuẩn bị kỹ thế mà cũng không tránh khỏi tai tiếng. Người ta kết luận do gây mê, mà chàng cũng hiểu như vậy từ đầu rồi, nhưng chàng đã quá tin tưởng vào tài ngoại giao của mình mà không tính đến việc này. Chỉ có một điều tự thấy mình dại, đó là lúc con bé chưa tỉnh mà chàng đã đi vòi tiền người nhà. Rút kinh nghiệm cho lần sau, đợi bệnh nhân tỉnh hẳn đòi hỏi gì cũng không ngại.

Chàng phát hoảng lên mà xin nghỉ việc ở nhà, lo người nhà bệnh nhân kiện, lo giám đốc kiểm điểm, lo đến mất ăn mất ngủ, lo gặp đồng nghiệp mà bị xoi mói là dốt, lo số tiền kha khá nếu bị qui là sai sót, đủ thứ lo, chàng đờ đẫn cả ngầy lẫn đêm mà không dám bước ra khỏi nhà. Chàng biết cái chết trong nghề nghiệp ngập đến cổ chàng.

Một tin vui đến với chàng vào ngày hôm sau, ban giám đốc có nhã ý không đưa chuyện này ra công khai, vậy chỉ giải quyết nội bộ thôi, mà như vậy trong khoa chẳng có ai dại gì quấy rầy chàng, bởi lẽ ai cũng đã từng gặp chuyện như chàng mà chẳng làm sao. Thôi tốt nhất 'dĩ hòa vi quý', anh thoát nạn lần này thì tôi cũng được bỏ qua cho lần khác. Chuyên môn không cần rút kinh nghiệm, miễn là yên ổn để còn tính ngày hôm nay thu được bao nhiêu. Chàng mừng mà đưa cả vợ con đi ăn lẩu nấm suốt một tối.





11. Chuyện của chàng cứ kéo dài mãi, lúc buồn lúc vui, lúc may rồi lại không may, có một điều chẳng khi nào thay đổi trong thói quen của chàng, nếu mai làm việc mà không có phong bì thì bằng mọi cách chàng phải bắt chúng nó gửi phong bì cho chàng. Và chàng luôn hiểu vận may bao giờ cũng mỉm cười với chàng, mà vận may chẳng đâu xa, nó sờ sờ và hiện hữu xung quanh chàng. Ai cũng có nhu cầu như chàng kể từ khi về bệnh viện này. 




   
Mà chàng càng ngày càng hiểu một điều, càng đểu giả càng dễ sống cho riêng mình. Ngày mai hay ngày mốt, may mắn hay bất hạnh chàng đều đón nhận nó như nhau.  



Dr Trần Thiết Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét