17/4/14

Thêm tai biến mắt và não vì tiêm chất làm đầy để xóa nếp nhăn

Dr TTS - Tiếp theo công bố mới đây của các bác sĩ Mỹ về một số trường hợp mù mắt hoặc mất thị lực gần hoàn toàn sau tiêm chất làm đầy vào vùng trán để căng da mặt, các bác sĩ Hàn Quốc vừa công bố 44 trường hợp biến chứng tắc động mạch mắt và tổn thương não do tiêm mỡ tự thân và axit hyaluronic vào vùng trán để giảm nếp nhăn. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nhãn khoa Hội Y khoa Mỹ ngày 27/3.






Nghiên cứu kết luận rằng việc tiêm các thuốc làm đầy (filler) vào vùng trán, không theo đúng vị trí quy định, dẫn tới tắc động mạch mắt. Hậu quả có thể nặng nề, tùy theo nơi tiêm, kích thước chỗ tắc và loại chất làm đầy được sử dụng. Tiêm mỡ tự thân gây hậu quả nặng nề nhất.  

Bác sĩ Kyu Hyung Park, Trường Y Đại học Quốc gia Seoul, người đứng đầu nghiên cứu, khuyến cáo: “Bác sĩ và bệnh nhân cần biết rằng thủ thuật này gây ra những biến chứng thảm khốc - kể cả nếu tỷ lệ là rất thấp - bao gồm mù vĩnh viễn, hoại tử da mặt, và thậm chí là đột quỵ. Cần giải thích rất kỹ lưỡng cho bệnh nhân và hết sức cẩn thận trong suốt thời gian trước và trong khi làm thủ thuật”.

Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận 44 bệnh nhân bị tắc động mạch mắt sau khi tiêm chất làm đầy, bao gồm tắc cục bộ và tắc lan tỏa.

- Tắc lan tỏa bao gồm giảm tưới máu võng mạc và màng mạch, ảnh hưởng tới toàn bộ võng mạc hay màng mạch, làm giảm thị lực.  

- Tắc cục bộ chỉ ảnh hưởng tới vùng mạch cục bộ ở võng mạc hay màng mạch.

Hai nhóm trên lại được chia thành 3 phân nhóm.

- Tắc lan tỏa:
  + tắc động mạch mắt kèm theo suy mạch võng mạc và màng mạch (17 bệnh nhân)
  + tắc động mạch thể mi sau lan tỏa (3 bệnh nhân)
  + tắc động mạch võng mạc trung tâm (8 bệnh nhân).

- Tắc cục bộ:
   + tắc động mạch thể mi sau cục bộ (4 bệnh nhân)
   + tắc động mạch võng mạc nhánh (10 bệnh nhân)
   + bệnh lý dây thần kinh thị giác sau do thiếu máu cục bộ (2 bệnh nhân).

Nghiên cứu cho thấy, mức độ tổn thương phụ thuộc nhiều vào loại chất làm đầy được sử dụng, trong đó bệnh nhân được tiêm mỡ tự thân bị tắc lan tỏa và tổn thương não nhiều nhất. Có tới 86% người tiêm mỡ tự thân bị tắc lan tỏa, so với 39% ở nhóm tiêm axit hyaluronic (p=0,007). Chụp cắt lớp não phát hiện tổn thương ở 46% người được tiêm mỡ tự thân so với 8% ở nhóm tiêm axit hyaluronic (p=0,03). Tuy nhiên, số lần tiêm cũng như vị trí tiêm không ảnh hưởng tới hình thức tắc hay thị lực sau tiêm.

“Khi dùng mỡ tự thân như chất làm đầy thẩm mỹ, các bác sĩ cần hết sức thận trọng và theo dõi sát bệnh nhân” - bác sĩ Park nhận xét.

Trong cùng tạp chí số ra trước đó, bác sĩ Roe (Mỹ) đã công bố một số trường hợp mù vĩnh viễn và tổn thương thị lực ở bệnh nhân được tiêm các loại chất làm đầy  khác nhau vào vùng trán. Bác sĩ Roe nhận xét: “Dựa trên sự gia tăng đáng kể việc tiêm các chất làm đầy thẩm mỹ ở mặt trong suốt thập kỷ qua, không ngạc nhiên nếu xuất hiện nhiều báo cáo về biến chứng hơn. Những kết quả này càng khẳng định sự thật là các thủ thuật thẩm mỹ này đi kèm nguy cơ, và mù - dù là với nguy cơ rất nhỏ -  vẫn cần được đưa vào giấy cam kết trước can thiệp như một khả năng có thể xảy”.  

Tùy theo nhà sản xuất, thuốc làm đầy được chỉ định cho vùng môi và nếp gấp mũi môi, thế nhưng chúng vẫn thường được dùng ở những vùng khác.

T.T. (theo Reuters)

Bình luận của độc giả về thông tin này trên trang Medscape:


Dr. Diaa amin

Chuyện này đã xảy ra với tôi. Trong một lần cùng một bác sĩ nội trú tiêm mỡ tự thân xuống dưới một mảnh ghép được đặt trước đó ở cổ để cải thiện vùng bị chèn ép. Bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện khó thở, tím tái và được chuyển sang khoa hồi sức. Ơn Trời, cô ta đã hồi phục mà không cần can thiệp. Tắc mạch do mỡ là lời giải đáp duy nhất. Sự kiện kinh hoàng này trở lại trong trí nhớ tôi sau khi đọc bài báo giá trị này.

Dr. Pierre NICOLAU

Đã chứng minh được rằng nguyên nhân của việc tiêm vào động mạch và gây tắc mạch này là do:
- thiếu hiểu biết về vị trí của mạch máu tại ví trí này: động mạch ngoài và trong ở vùng giữa trán,
-  gây áp lực quá cao, làm tắc mạch ngược dòng, 
- kim quá nhỏ (27 hoặc 30G) 
- thể tích quá lớn. 

Vì vì không ngạc nhiên rằng tiêm mỡ liên quan tới phần lớn các yếu tố nguy cơ này. Tôi đồng ý với bác sĩ Rojas, tiêm chất làm đầy không phải thủ thuật đơn giản như nhiều bác sĩ và những người thực hiện việc tiêm vẫn nghĩ.

Dr. Mansoor Farooqui

Với sự tiềm ẩn của những biến chứng khủng khiếp như vậy, không nên cho phép các chuyên gia thẩm mỹ thực hiện thủ thuật này và cần yêu cần bệnh nhân ký giấy cam kết trước can thiệp.


Dr. augusto valente

Tai biến xảy ra khi tiêm dưới da, nơi có động mạch và tĩnh mạch giữa trán. Tiêm mỡ và axit hyaluronic cần được thực hiện ở lớp trung bì sâu để tránh các mạch máu lớn. 

Dr. zahid iqbal

Đúng là biến chứng nặng nề, mất thị lực ! Tôi nhớ vấn đề này đã được bàn luận vào năm 2012 tại một cuộc trao đổi chuyên môn tại địa phương chúng tôi ở Lahore Pakistan với một đoàn bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đến từ Anh. Khi đó mọi người thống nhất rằng tại thời điểm hiện tại mới chỉ có 1 báo cáo của Hàn Quốc nhắc tới các biến chứng này, số liệu mới liên quan tới 7 bệnh nhân nữ là chưa đáng kể, vì vậy khả năng xảy ra biến chứng này chưa được đưa vào giấy cam kết của bệnh nhân trước khi can thiệp.

Vì tỷ lệ biến chứng gia tăng, tôi nhất trí với bác sĩ Roe rằng những biến chứng này cần được thảo luận với mỗi bệnh nhân trước khi làm thủ thuật. Tôi kiến nghị Chính phủ có hành động nghiêm khắc ở nơi những người không được đào tạo vẫn thực hiện thủ thuật thẩm mỹ này. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét